Mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương tăng
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương đạt mức cao kỷ lục trong quý I/2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ suy thoái.
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng hàng quý của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa đưa ra cho thấy, nhu cầu vàng (không bao gồm thị trường giao dịch tại quầy OTC) đã giảm 13% trong quý I/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm mà nhu cầu tăng vọt khi các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi các tài sản rủi ro sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, tổng nhu cầu vàng trong quý đầu năm nay đã tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sự phục hồi của thị trường OTC. Đáng chú ý, trong quý I/2023, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vào dự trữ toàn cầu, là tỷ lệ mua cao nhất trong quý đầu năm kể từ khi chuỗi dữ liệu bắt đầu vào năm 2000, mặc dù tốc độ này chậm hơn so với các quý gần đây.
Trong đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) là tổ chức mua đơn lẻ lớn nhất trong quý I/2023 khi bổ sung 69 tấn vàng vào kho dự trữ, hiện cao hơn 45% so với cuối năm 2022. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã mua thêm 58 tấn trong quý I/2023 và hiện nắm giữ 2.068 tấn vàng trong kho dự trữ, chiếm 4% tổng dự trữ vàng được báo cáo trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng dự trữ thêm 30 tấn, trong khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ bổ sung thêm 7 tấn.
Ngoài các ngân hàng trung ương, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 198 tấn trang sức vàng trong quý I/2023, chiếm 41% tổng lượng mua toàn cầu do nhu cầu tăng trở lại sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19, bù đắp cho sự sụt giảm của thị trường Ấn Độ.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam |
So với trước kia, thị trường vàng hiện nay đã thay đổi rất nhiều, nhất là cấu trúc của thị trường. Trong đó, sự khác biệt quan trọng nhất nằm ở hành vi của các ngân hàng trung ương. Đã có một sự chuyển đổi nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ trong bối cảnh không có lãi suất thực tế từ trái phiếu chính phủ.
Mặc dù ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển đã mua vào lượng vàng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn có sự chênh lệch về tỷ trọng lượng vàng dự trữ so với các nền kinh tế phát triển. Dữ liệu của IMF chỉ ra rằng, các thị trường đang phát triển có tổng mức phân bổ vàng dưới 10%, ít hơn một nửa so với các nền kinh tế tiên tiến.
Tuy nhiên, sẽ có một số thị trường sở hữu số lượng vàng lớn đến từ việc thu mua vàng sản xuất trong nước. Vì thế, quan điểm của WGC là mục tiêu chiến lược của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ khác biệt so với các nhà đầu tư tổ chức. Lượng dự trữ chính thức phải được ký gửi vào các tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao.
Định hướng đầu tư cho ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển thường rất hạn chế, thường chỉ giới hạn ở vàng, quỹ tiền tệ đặc biệt (SDRs), số dư dự trữ của IMF, trái phiếu chính phủ được xếp hạng cao và tiền gửi. Điều này tạo ra sự mất cân đối trong các khoản đầu tư của họ.
Lợi suất thực của các trái phiếu chính phủ này rất thấp, thậm chí là âm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương có nguy cơ chịu thiệt hại lớn trong trường hợp các nền kinh tế phát triển không thể trả nợ được. Trong bối cảnh này, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản dự trữ khác. Loại tài sản không có rủi ro chính trị, không bị suy giảm giá trị như tiền tệ, cũng như không thể bị áp đặt giá trong cuộc chiến tiền tệ.
Mặc dù vậy, không thể phủ nhận sự tồn tại của những rủi ro. Một số ngân hàng trung ương đã giảm lượng dự trữ vàng trong vài năm qua, điều này dẫn đến tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư giảm sút. Nếu giá vàng tăng mạnh đột ngột, lượng mua vàng sẽ giảm, song hoạt động bán ra từ các ngân hàng trung ương cũng sẽ hạn chế.
Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng việc mua vào sẽ tiếp tục diễn ra, trong đó dẫn đầu xu hướng này là các ngân hàng từ các thị trường mới nổi, khi họ cân bằng lại mức phân bổ vàng của mình với các đối tác ở thị trường phát triển.
Sẽ tác động lên giá
Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm về triển vọng mua vàng của ngân hàng trung ương trên thế giới, dẫn đầu xu hướng là các nền kinh tế đang phát triển, vì tỷ trọng dự trữ vàng trong danh mục đầu tư của họ đang thấp hơn các nền kinh tế phát triển. Thực tế thị trường cũng đã cho thấy, trong thời gian gần đây, cầu vàng của các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển tăng và dự báo còn tăng trong thời gian tới.
Thị trường vàng được chia làm 2 phần, trong đó có vàng nữ trang được dự báo sẽ giảm trong năm nay do kinh tế khó khăn tác động lên thu nhập của người dân; còn trong bối cảnh lạm phát cao, nhu cầu vàng đầu tư (vàng thỏi, vàng miếng) sẽ tăng lên.
Một phần do dự báo kinh tế còn khó khăn, nhất là khi một số ngân hàng Mỹ sụp đổ, trong khi vàng là kênh trú ẩn an toàn. Dù giá vàng hiện đã tăng khá cao, có lúc lên mức kỷ lục trong tháng 4/2023, nhưng nhiều dự báo cho rằng, giá kim loại quý này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Một số dự báo cho rằng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm lại trong quá trình tăng lãi suất, nhưng một số nhà hoạch định chính sách của Fed lại cho biết, cơ quan này còn tăng lãi suất khoảng 1 - 2 kỳ nữa, vì lạm phát của Mỹ vẫn còn ở mức khá cao. Nếu Fed tăng tiếp lãi suất USD thì nguy cơ sẽ có thêm nhiều ngân hàng nữa của Mỹ sụp đổ.
Quyết định của Fed sẽ có tác động tới đồng USD, cũng như với mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, để dự báo việc Fed còn tăng lãi suất trong thời gian tới hay không là điều rất khó, ngay cả với những chuyên gia phân tích theo dõi sát diễn biến lãi suất USD. Do đó, giá vàng trong nửa đầu năm 2023 vẫn dao động quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce.
Dĩ nhiên, giá vàng cũng sẽ thay đổi theo tình hình địa chính trị trên thế giới. Trong đó, có xung đột Nga - Ukraine và khủng hoảng kinh tế, hay có thêm ngân hàng ở Mỹ sụp đổ…, dẫn đến nhu cầu mua vàng gia tăng. Ngay cả ở thị trường Việt Nam, nhu cầu mua vàng của người dân cũng tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Một khi mãi lực vẫn lớn, triển vọng giá kim loại quý này còn đi lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường vàng được chia làm 2 phần, trong đó có vàng nữ trang được dự báo sẽ giảm trong năm nay.
Một phần, do tình hình kinh tế khó khăn, tác động lên thu nhập của người dân nên cầu mua sắm vàng nữ trang sẽ có xu hướng giảm. Ngược lại, trong bối cảnh lạm phát cao và khả năng kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu vàng đầu tư (vàng thỏi, vàng miếng) sẽ tăng lên.
Riêng với thị trường Việt Nam hiện nay, bất động sản, chứng khoán sụt giảm, lãi suất tiền gửi giảm trở lại, nhiều người vẫn chọn vàng. Nhu cầu vàng của người dân Việt Nam tăng mạnh trong quý IV/2022 và sụt nhẹ trong quý I/2023, nhưng chủ yếu sụt giảm ở mảng nữ trang vàng với mức giảm khoảng 15 - 20%, còn với nhu cầu vàng đầu tư vẫn cao.
Điều này được chứng minh qua việc giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới, có lúc cao hơn tới 20 triệu đồng/lượng. Ngoài nhu cầu vàng đầu tư của người dân cao, còn có lý do là thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường quốc tế.