Vàng hiện không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước. Ảnh: Dũng Minh

Vàng hiện không hấp dẫn nhà đầu tư trong nước. Ảnh: Dũng Minh

Vàng bớt “lấp lánh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù giá vàng thế giới được dự báo sẽ tái lập ngưỡng 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay, nhưng với nhà đầu tư trong nước, kênh đầu tư này không hấp dẫn bằng chứng khoán hay bất động sản, chưa kể mức chênh lệch quá lớn 11 triệu đồng/lượng so với thế giới cũng khiến rủi ro với người mua vàng tăng lên.

Thông tin Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell được Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử cho nhiệm kỳ tới và cơ quan này đang đẩy nhanh tiến độ mua tài sản sâu hơn 15 tỷ USD nhằm giảm áp lực lạm phát khiến giá vàng “lao dốc”, về mức 1.775 USD/ounce chỉ trong 2 tuần qua.

Sở dĩ vàng lùi sâu qua ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce là do việc ông Jerome Powell được tái bổ nhiệm thúc đẩy thị trường đặt cược vào các đợt nâng lãi suất sớm, kéo đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, khiến những tài sản trú ẩn như vàng không còn hấp dẫn.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Indonesia và Việt Nam, sau khi ngưỡng 1.800 USD/ounce bị xuyên thủng, áp lực cắt lỗ của nhà đầu tư trên thế giới đang tác động tiêu cực lên giá vàng, nhưng mặt hàng kim loại quý này được cho là sẽ nhanh chóng lấy lại mốc 1.900 USD/ounce vào cuối năm nay, khi lạm phát tại Mỹ tăng cao, rủi ro dịch bệnh tăng trở lại với biến thể mới Omicron và nhu cầu vàng vật chất cuối năm tăng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khánh, do chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện lên đến 11-11,5 triệu đồng/lượng nên việc rót vốn vào vàng lúc này sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn, cho dù còn triển vọng tăng giá.

Thực tế, với chiều tăng của vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước cũng chạm ngưỡng 62 triệu đồng/lượng vào tuần cuối tháng 11, trước khi giảm về 59 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 12/2021 theo đà giảm của thế giới. Với đà giảm rất nhanh này, người mua vàng SJC trong tháng 11 đã bị mất 3 triệu đồng/lượng trong chưa đầy 2 tuần, đó là chưa kể biên độ niêm yết giữa giá mua - bán được các tiệm vàng kéo giãn cũng khiến phần thua thiệt nghiêng về phía người mua khi giá rớt nhanh.

Việc giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch quá cao được lý giải là do lâu nay Ngân hàng Nhà nước không cấp “quota” nhập vàng nguyên liệu để dập vàng miếng SJC cũng như sản xuất vàng nữ trang. Để sản xuất những mặt hàng này, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị được độc quyền kinh doanh vàng miếng SJC, phải mua vàng trong nước với giá cao hơn thế giới. Chính sự không liên thông giữa vàng quốc tế và trong nước cũng như độc quyền thương hiệu vàng SJC khiến nguồn cung vàng ở thị trường nội địa bị hạn chế, cùng với rủi ro thua lỗ tăng lên khi biên độ mua - bán bị nới quá rộng, dẫn tới nhà đầu tư không còn mặn mà rót vốn vào vàng, mà chuyển sang những kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn như chứng khoán, bất động sản.

Theo dữ liệu thống kê từ WGC, nhu cầu tiêu dùng vàng của người Việt Nam trong quý III/2021 giảm tới 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt khoảng 3 tấn. Trong khi đó, nhu cầu vàng của người tiêu dùng trên toàn khu vực ASEAN bắt đầu tăng lên do các hạn chế được nới lỏng.

Bà Louise Street, chuyên gia phân tích Thị trường cấp cao WGC cho biết, dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ ETF là yếu tố tác động đến nhu cầu vàng. Trong đó, nhu cầu trang sức vàng quý III/2021 tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã mua vào 69 tấn vàng dự trữ so với chỉ 10 tấn của cùng kỳ năm trước.

Giới phân tích vàng cho rằng, với mặt hàng có tính thanh khoản cao và không cần lượng vốn quá lớn như vàng, nhà đầu tư có thể mua vào để chờ tăng giá, bởi thực tế là giá vàng đã tăng bình quân 10-15%/năm trong những năm gần đây, cùng với áp lực lạm phát tại Mỹ tăng trong năm 2021 sẽ đẩy giá vàng đi lên.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc thị trường vàng trong nước đóng cửa xuất, nhập khẩu thì giá khó có thể liên thông với quốc tế. Thậm chí, vàng trong nước còn thường xuyên “lội ngược dòng” so với giá thế giới khiến người “ôm” vàng chịu rủi ro hơn.

Thực tế, thị trường vàng trong nước đã quen với thực trạng giá vàng nội địa cao hơn đáng kể so với thế giới, mà một trong những nguyên nhân là do yếu tố độc quyền. Về vấn đề này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã có kiến nghị cơ quan chức năng cho nhập khẩu vàng nguyên liệu và gia tăng các thương hiệu vàng miếng trên thị trường, ngoài vàng SJC. Đồng thời, để phát triển thị trường vàng trang sức, VGTA cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng “đô-la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với chủ trương hiện tại.

Tin bài liên quan