Kinh Đô trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Vocarimex với tỷ lệ sở hữu 24%

Kinh Đô trở thành nhà đầu tư chiến lược tại Vocarimex với tỷ lệ sở hữu 24%

Vắng bóng NĐT nước ngoài trong phiên IPO Vocarimex

(ĐTCK) Hơn 37,9 triệu cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex đã được bán hết tại buổi đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cuối tuần trước. Tuy nhiên, không có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia phiên đấu giá này.

Có 139  nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Vocarimex, gồm 130 nhà đầu tư cá nhân và 9 nhà đầu tư tổ chức, khối lượng đăng ký nhiều gấp 2,2 lần so với khối lượng chào bán, ở mức gần 84,4 triệu cổ phần.

Kết quả, hơn 37,9 triệu cổ phần đưa ra đấu giá được bán hết, với mức giá bình quân là 13.428 đồng/cổ phần, cao hơn khá nhiều so với mức giá khởi điểm là 11.300 đồng/cổ phần. Mức giá khớp thấp nhất là 13.000 đồng/cổ phần và mức giá khớp cao nhất là 30.000 đồng/cổ phần.

Theo đó, 42 cá nhân và 5 tổ chức trúng thầu, Vocarimex thu về 508,92 tỷ đồng. Đáng chú ý, toàn bộ nhà đầu tư tham gia đấu giá và cả nhà đầu tư chiến lược của Vocarimex đều là trong nước, nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn vắng bóng trong phiên đấu giá này.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vocarimex cho biết, trong quá trình tìm đối tác chiến lược, có hơn chục nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vocarimex, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng khi lọc lại theo những tiêu chí của Tổng công ty thì không có nhà đầu tư nước ngoài nào đáp ứng được. Vì vậy, cơ cấu cổ đông của Vocarimex hiện không có nhà đầu tư ngoại.

Một vấn đề rất được giới đầu tư quan tâm là trong đợt IPO này, nhà đầu tư chiến lược là CTCP Kinh Đô (KDC) có tham gia đấu giá và sẽ sở hữu thêm bao nhiêu % vốn tại Vocarimex. Nhìn vào bảng đặt lệnh, khá nhiều lệnh đặt mua ở mức tối đa 4 triệu cổ phần và theo kinh nghiệm của một số CTCK, lệnh mua với khối lượng tối đa thường đến từ nhà đầu tư tổ chức vì họ có tiềm lực tài chính. Không loại trừ khả năng, KDC không đăng ký trực tiếp, nhưng thông qua các đơn vị hoặc cá nhân khác để đấu giá.

Đại diện một CTCK cho biết, nhiều nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá chỉ vì thông tin KDC sẽ mua thêm cổ phần so với tỷ lệ 24% theo thỏa thuận đối tác chiến lược. Thêm vào đó, Vocarimex sở hữu công ty con là CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) có kết quả kinh doanh tốt, bản thân Vocarimex cũng có vị trí quan trọng trên thị trường dầu ăn nội địa, nên mức giá khởi điểm 11.300 đồng/CP là khá thu hút nhà đầu tư.

Thực tế thì cổ phiếu Vocarimex không hẳn đã hấp dẫn, bởi Công ty chưa có kế hoạch niêm yết sau IPO, việc chuyển nhượng cổ phiếu sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, Vocarimex sở hữu 4 công ty con, 3 công ty liên kết, nhưng các công ty này lại cùng kinh doanh sản phẩm dầu ăn nên tự cạnh tranh giành thị phần lẫn nhau.

Nhãn hiệu riêng của Vocarimex là Voca cũng chỉ chiếm tỷ trọng 3% tổng doanh thu của Tổng công ty trong giai đoạn 2011-2013. Doanh thu của công ty mẹ Vocarimex chủ yếu đến từ bán nguyên liệu cho Tường An và Nakydaco, trong khi nguồn nguyên liệu chủ yếu từ nhập khẩu nên chịu rủi ro biến động của giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND.

Kết thúc IPO, Vocarimex huy động được 509 tỷ đồng. Nếu tính thêm số lượng 39 triệu cổ phần (tương đương 32% vốn) bán cho 2 nhà đầu tư chiến lược là KDC và CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) với mức giá không thấp hơn 11.300 đồng/CP thì Vocarimex sẽ thu về ít nhất thêm 440 tỷ đồng nữa.   

Tin bài liên quan