Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Vàng bị chốt lời, chứng khoán rung lắc do kết quả kinh doanh quý I

(ĐTCK) Vàng nhanh chóng bị chốt lời, nên đảo chiều giảm trở lại. Trong khi lo ngại về kết quả kinh doanh không khả quan khiến chứng khoán Âu, Mỹ cũng quay đầu giảm điểm.

Phố Wall đã không duy trì được đà tăng khi lo lắng về mùa công bố kết quả kinh doanh kém khả quan lấn át sự thăng hoa của bộ 3 công ty IPO trên sàn. Cổ phiếu của cả 3 công ty đều tăng vọt từ 16,74 - 87,5% trong ngày chào sàn, tuy nhiên, lo lắng về kết quả khả quan không tốt đẹp của GE và Apple đã khiến phố Wall đóng cửa trong sắc đỏ ở phút cuối của  phiên giao dịch.

Trong số 51 công ty trong chỉ số S&P 500 đã báo cáo cho đến nay, 76,5% có lợi nhuận vượt quá mong đợi, cao hơn mức trung bình dài hạn là 63%. Tuy nhiên, các đại gia chưa công bố và theo Thomson Reuters, lợi nhuận của S&P 500 trong quý đầu tiên sẽ giảm 2,6% và doanh thu giảm 2,8% do giá dầu giảm mạnh, đồng USD tăng và bão tuyết xảy ra nhiều tại khu vực miền Đông của nước Mỹ.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Dow Jones giảm 6,4 điểm (-0,04%), xuống 18.105,77 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,64 điểm (-0,08%), xuống 2.104,99 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,23 điểm (-0,06%), xuống 5.007,79 điểm.

Cũng ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vừa công bố, chứng khoán châu Âu đã rút lùi từ mức cao nhất 14 năm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 36,33 điểm (-0,51%), xuống 7.060,45 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 232,48 điểm (-1,90%), xuống 11.998,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 29,86 điểm (-0,57%), xuống 5.224,49 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản trong những phiên gần đây chỉ biến động trong biên độ hẹp. Sau 2 phiên giảm nhẹ, chỉ số Nikkei 225 đã đảo chiều để có được sắc xanh nhạt trong phiên thứ Năm. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu năng lượng và khai mỏ đã bù đắp cho áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu dược phẩm. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng điểm khi nhiều dự đoán cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy mạnh từ đại lục sang thị trường chứng khoán Hồng Kông. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng có phiên đảo chiều ngoạn mục với mức tăng hơn 2,7% khi khả năng chính phủ sẽ tung ra gói kích thích kinh tế để giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lấy lại đà tăng trưởng là rất cao sau khi GDP quý I/2015 của Trung Quốc ở mức thấp nhất 6 năm.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Nikkei 225 tăng 16,01 điểm (+0,08%), lên 19.885,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 120,89 điểm (+0,44%), lên 27.739,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 110,66 điểm (+2,71%), lên 4.194,82 điểm.

Tưởng chừng thông tin kinh tế kém khả quan sẽ là chất xúc tác giúp vàng duy trì được đà tăng trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, khi bước vào phiên giao dịch Mỹ, áp lực chốt lời sớm đã diễn ra, đẩy vàng giảm trở lại. Thông tin từ báo cáo về cuộc khảo sát tình hình kinh doanh tích cực của Fed Philadelphia càng kích thích lệnh bán ra đối với vàng. Tuy nhiên, đà giảm của vàng được hãm bớt ngờ các yếu tố tác động bên ngoài là đồng USD giảm và dầu tăng giá.

Kết thúc phiên 16/4, giá vàng giao ngay giảm 3,7 USD (+0,31%), xuống 1.197,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3,3 USD/ounce (-0,27%), xuống 1.198,0 USD/ounce.

Dầu tiếp tục có phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp trong tuần, dù mức tăng đã được hãm nhiều so với các phiên tăng trước đó. Đà tăng của giá dầu được hỗ trợ bởi cuộc xung đột ở Trung Đông, cũng như việc sụt giảm các giàn khoan từ Mỹ và kho dự trữ dầu của Mỹ tuần trước tăng ít hơn dự đoán. Tuy nhiên, bước vào phiên cuối tuần, giá dầu đã chịu áp lực giảm trở lại khi OPEC cho biết, sản lượng khai thác của tổ chức này trong tháng 3 tăng 810.000 thùng/ngày, lên 30,79 triệu thùng/ngày, tương đương 1/3 lượng cung toàn cầu và qua đó lại gây nên những lo ngại về dư cung.

Kết thúc phiên 16/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,32 USD/thùng (+0,56%), lên 56,71 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,08 USD (+0,13%), lên 60,40 USD/thùng.

Tin bài liên quan