Lúc đầu ngày, vàng SJC mua vào – bán ra ở 35,16 – 35,26 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với ngày hôm qua. Về cuối ngày, giá tăng thêm 10.000 đồng/lượng, niêm yết ở 35,17 - 35,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Lúc 8h30 sáng này, vàng miếng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở 31,82 - 32,27 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng mỗi chiều so với ngày hôm qua. Mức giá này được giữ nguyên cho tới cuối ngày.
Trên thị trường ngoại tê, giá USD được Vietcombank niêm yết ở 21.570 - 21.630 VND/USD (mua vào – bán ra) giữ nguyên so với ngày hôm qua. Giá USD trên thị trường tự do cũng không có biến động, mua vào – bán ra ở mức 21.645 – 21.660 VND/USD.
Trong phiên Mỹ đêm qua, vàng thoát khỏi đà giảm 3 phiên liên tiếp trước đó, có một phiên tăng cuối cùng trong tuần. Trên sàn New York, giá vàng mở cửa ở 1.201,20 USD/ounce, ngay sau khi mở phiên, giá vàng hồi phục mạnh, đạt đỉnh ở 1.208 USD/ounce, tăng 6,8 USD/ounce so với mức mở cửa và chốt phiên tại 1.207,30 USD/ounce, tăng 6,1 USD/ounce so với giá mở cửa.
Giá vàng giao sau tháng Sáu trên sàn Comex chốt phiên tại 1.204,70 USD/ounce, tăng 10 USD/ounce so với ngày hôm qua.
Trong tuần này, vàng đã đạt mức cao nhất trong 1,5 tháng qua sau khi báo cáo về Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ được công bố vào thứ Sáu (4/4) tuần trước, với các dữ liệu hết sức thất vọng, khiến các nhà đầu tư tin rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tạm thời chưa sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, ít nhất là cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, trong suốt tuần, kim loại quý này buộc phải lùi bước tiến trước sức mạnh của đồng USD.
Trong tuần tới, sẽ có rất nhiều báo cáo kinh tế Mỹ được công bố, bao gồm doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp, lạm phát và dữ liệu nhà ở. Bởi vậy, thị trường vàng cũng như các thị trường tài chính khác sẽ đánh giá các báo cáo đó nhằm xác định các ý kiến chủ chốt mà quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện trong cuộc họp diễn ra vào 28 và 29/4 tới.
Giới đầu tư đồng thời sẽ để mắt tới các nhu cầu khác của thị trường trong ngắn hạn như là ngày lễ của Ấn Độ sẽ diễn ra vào cuối tháng này hay báo cáo phát triển kinh tế của Trung Quốc được công bố vào giữa tuần.
Sean Lusk, Giám đốc thương mại của Walsh Trading cho biết: “Có hàng tá các thông tin kinh tế vào tuần tới. Các thông tin đó sẽ trở thành tâm điểm với giới đầu tư”.
Không có báo cáo kinh tế nào được công bố vào thứ Hai, nhưng dữ liệu bán lẻ và giá cả sản xuất sẽ được đưa ra vào thứ Ba, tiếp theo đó là khảo sát sản xuất của Fed, sản xuất công nghiệp vào thứ Tư. Dữ liệu sơ bộ về số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp, dữ liệu nhà ở và khảo sát kinh doanh tại Philadelphia của Fed được công bố vào thứ Năm, tiếp theo đó là chỉ số CPI và chỉ số niềm tin tiêu dùng vào thứ Sáu.
Lusk cho biết thêm: “Tin xấu về kinh tế sẽ là tin tốt đối với vàng và ngược lại. Và cuối cùng, tất cả đều sẽ tập trung vào Fed”.
Jim Comiskey, chuyên gia cấp cao tại Archer Finanacial Services, nhận định rằng, bên cạnh các thông tin kinh tế, giới đầu tư cần phải chú ý tới phát biểu của một số thành viên Fed trong tuần tới. Trong đó có người đứng đầu trụ sở Fed tại Minneapolis, Narayana Kocherlakota vào thứ Ba, tiếp theo đó là giám đốc Fed tại St. Louis, James Bullard vào sáng thứ Tư.
Các chuyên gia đều nhất chí nhấn mạnh đến việc thị trường sẽ có biến động bởi nhu cầu vàng của Ấn Độ trong ngày lễ Akshaya Tritiya sắp tới. Đây là dịp lễ lớn, giúp tăng nhu cầu mua vàng của quốc gia này, cho dù, Comiskey cho rằng dự báo sắp tới sẽ có 1 cơn bão, có thể ảnh hưởng chút ít tới ngày lễ này. Trong tháng 3/2015, sức mua tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái, từ 60 tấn lên 125 tấn trong tháng.
Theo Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, bên cạnh việc tập trung vào các thông tin kinh tế tại thị trường Mỹ, giới đầu tư cũng nên chú ý tới báo cáo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. GDP trong quý đầu tiên của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Tư tuần tới, với hy vọng mức tăng trưởng từ 6,9% đến 7%, sau khi tăng 7,3% trong quý IV năm ngoái.