Chương trình Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2014 đã đi qua mùa thứ 7 - một chặng đường đủ dài để có thể nhìn nhận và đánh giá sự trưởng thành của DN niêm yết trong ý thức về việc nâng cao chất lượng báo cáo thường niên - một việc làm cụ thể trong quá trình tổng thể khi xây dựng mô hình DN chuyên nghiệp, chuẩn mực và minh bạch trong con mắt của cổ đông và nhà đầu tư.
Hầu hết báo cáo thường niên đã bám sát các nội dung quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC ngày 5/4/2012 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Nếu như cách đây vài năm, báo cáo thường niên của nhiều công ty sa đà vào việc quảng bá các sản phẩm, dự án của công ty, tập trung nhiều về mặt hình ảnh trong khi hàm lượng thông tin cung cấp cho nhà đầu tư rất thấp, thì nay các báo cáo đã bám sát theo khung hướng dẫn của Thông tư 52 với các nội dung trọng yếu cần phải có.
Nhiều nội dung trước đây được coi là nhạy cảm, “bí mật” và thường bị né tránh hay trình bày một cách chung chung trong các báo cáo thường niên nay đã được một số DN nêu rõ ràng, cụ thể như: lương, thưởng, các khoản lợi ích khác và chi phí cho từng thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc; thông tin về các giao dịch được ký kết giữa công ty với cổ đông nội bộ trong công ty và những người có liên quan với các đối tượng này…
Việc tuân thủ Thông tư 52 đã tạo nên một nền tảng tốt, đầy đủ cho các báo cáo thường niên. Trong xu hướng chung có vẻ hơi “cứng nhắc” đó, nhiều báo cáo đã lấy được điểm trọng số cao từ Hội đồng chấm giải với những phân tích có chiều sâu, chất lượng. Đơn cử, đối với phần phân tích hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty, báo cáo không chỉ dừng lại ở công bố số liệu kết quả kinh doanh của hai hoặc ba năm gần nhất và tình hình thực hiện so với kế hoạch, mà có sự phân tích nguyên nhân dẫn đến những biến động lớn về doanh thu, lợi nhuận như thay đổi chiến lược kinh doanh, thị trường, sản phầm, nguồn cung cấp, đưa ra phân tích về nguyên nhân dẫn đến việc đạt, vượt hay không đạt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển cho các năm tới.
Tương tự, tại phần báo cáo và đánh giá của Ban Giám đốc về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, ngoài các phân tích tổng quan những nét nổi bật của kết quả hoạt động trong năm 2013, nhiều DN nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm của Ban Giám đốc đối với kết quả kinh doanh của công ty cũng như những nỗ lực cải tiến của Ban Giám đốc về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Phần báo cáo của HĐQT có những phân tích, đánh giá sâu về hoạt động của công ty, đặc biệt về mức độ hiệu quả trong hoạt động điều hành của Ban Giám đốc.
Việc trình bày nội dung về quản trị công ty cũng là một kết quả đáng ghi nhận của báo cáo thường niên năm nay. Ngoài các thông tin cơ bản, một số thông tin được khuyến khích và đánh giá cao như hoạt động của thành viên HĐQT độc lập không điều hành; đánh giá hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát thông qua nội dung và kết quả của từng cuộc họp, thông tin về việc tham gia các khoá đào tạo quản trị công ty của các thành viên HĐQT. Do chủ đề chính của cuộc bình chọn báo cáo thường niên năm nay là “quản trị công ty hướng đến phát triển bền vững”, nên những báo cáo có phần trình bày các thông tin về quản trị công ty đầy đủ, rõ ràng đã tạo cho DN có lợi thế để giành giải thưởng.
Hầu hết báo cáo thường niên đã đính kèm đầy đủ báo cáo tài chính theo quy định và công bố đường link tra cứu đối với trường hợp có thêm báo cáo tài chính của công ty mẹ. Tuy nhiên, có một số điểm cần phải lưu ý đối với thông tin báo cáo tài chính như: phần giải trình trong trường hợp ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính không phải là ý kiến chấp thuận toàn phần còn sơ sài; các phân tích về biến động tình hình tài sản và nợ phải trả bị hạn chế về nội dung, chưa có những phân tích về ảnh hưởng của các biến động này đến kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Điều còn lại làm “lăn tăn” Hội đồng chấm giải Báo cáo thường niên là làm sao để các DN đều nhận thức đầy đủ về trách nhiệm công bố thông tin của mình đối với công chúng đầu tư thông qua kênh thông tin như báo cáo thường niên; làm sao để không còn khoảng cách lớn trong việc đầu tư hình thức, chất lượng báo cáo thường niên giữa các DN quy mô lớn, quy mô vừa và nhỏ.