Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp 2022, 2023, dự kiến đạt 20% GDP năm 2025 và 30% GDP năm 2030. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh, sở hữu tài khoản ngân hàng, ví điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Dịch vụ thanh toán số được đánh giá là nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển. Mạng lưới các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty Fintech cung cấp dịch vụ tài chính số trên thị trường Việt Nam liên tục được mở rộng, phát triển đa dạng.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank nói: “Chính sự thúc đẩy của Chính phủ số cùng với sự phát triển của kinh tế số - xã hội số là tiền đề cho những sáng kiến và giải pháp thông minh được thực thi, góp phần xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Một trong những yếu tố quan trọng kiến thiết nên một đô thị thông minh phải kể đến các giải pháp thanh toán số hiện đại”.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Thành viên Ban Điều hành, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank |
Hội thảo đã không chỉ tập trung vào việc thảo luận về các giải pháp phát triển đô thị thông minh cho Hà Nội, mà các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp còn hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở, ứng dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính, mang lại những tiện ích và trải nghiệm vượt trội cho người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, ngân hàng mở (Open Banking) đang trở thành một xu hướng nổi bật trong ngành tài chính, mang đến nhiều cơ hội phát triển và cải thiện trải nghiệm khách hàng thông qua sự kết nối giữa ngân hàng và các bên thứ ba. Ở Việt Nam, dù chưa có chuẩn mực chung về kỹ thuật API, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai các cổng API mở để tích hợp dịch vụ với các công ty Fintech, đối tác cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các thách thức về bảo mật, quản lý dữ liệu và tiêu chuẩn kết nối.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
“Về khía cạnh pháp lý, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho ngân hàng mở, bao gồm Luật Giao dịch điện tử (2023), Luật Các tổ chức tín dụng (2024), cùng nhiều nghị định và thông tư khác nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường bảo mật và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước cũng đang trong quá trình nghiên cứu, ban hành các quy định mới về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và triển khai Open API, mở đường cho các sáng kiến sáng tạo trong ngành ngân hàng”, ông Tuấn Anh nói.
Để thúc đẩy sự phát triển của ngân hàng mở, theo ông Anh Tuấn, cần thực hiện một số công việc sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Thông tư về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Open API) và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.
Thứ hai, tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển API mở để gia tăng khả năng tích hợp kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành; đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng theo đúng quy định.
Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận,..
Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc, sự cố phát sinh cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, NHNN đã ban hành và trình ban hành nhiều quy định nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng - thanh toán, tăng cường chuẩn hóa, liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, an toàn và thuận tiện.
“Không dừng lại ở đó, NHNN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách mới về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng để các ngân hàng, tổ chức, cá nhấn liên quan triển khai thực hiện. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phù, ngành ngân hàng sẽ không ngừng thay đổi, phát trểen theo xu hướng chung của thế giới, giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.