Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH): "Luồng lạch" vẫn chưa thông

Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH): "Luồng lạch" vẫn chưa thông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đầu tư mở rộng đội tàu tạo thêm gánh nặng chi phí cho Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, lợi nhuận bị bào mòn.

Dự báo lợi nhuận đi xuống sâu

Giá cước vận tải biển liên tục lao dốc và hiện duy trì ở mức thấp. Chỉ số Drewry World Container Index (cước trung bình 8 tuyến vận tải biển chính trên thế giới) tại thời điểm 12/10/2023 chỉ còn 1.369,06 USD/container 40 feet, giảm 61% so với một năm trước.

Cước vận tải biển hiện tại đã giảm sâu so với mức đỉnh ghi nhận trong tháng 9/2021 (10.377 USD/container 40 feet) và chỉ tương đương hơn 50% mức cước trung bình 10 năm qua (2.688 USD/container 40 feet).

Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhu cầu vận tải hàng rời suy giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát dai dẳng tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, sức mua giảm mạnh. Mặt khác, nguồn cung tàu gia tăng mạnh trong thời gian qua (hệ quả của việc các hãng vận tải biển đẩy mạnh đóng tàu mới trong giai đoạn 2021 - 2022, giai đoạn giá cước đạt đỉnh lịch sử). Lượng tàu đóng mới được bàn giao liên tục trong năm 2023 và dự báo đạt đỉnh trong hai năm tới.

Diễn biến bất lợi của thị trường vận tải biển (hàng rời) đã phản ánh rõ nét trên kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An. Theo ước tính của doanh nghiệp, trong 8 tháng đầu năm, tổng sản lượng vận chuyển đạt 667.982 TEU, hoàn thành 66,4% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 1.946,6 tỷ đồng, hoàn thành 65,78% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 288,1 tỷ đồng, hoàn thành 58,54% kế hoạch cả năm.

Trước đó, trong báo cáo tài chính bán niên năm 2023, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ghi nhận doanh thu đạt 1.266,56 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 216,2 tỷ đồng, giảm 19,92% về doanh thu và giảm tới 50,82% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Như vậy, ước tính trong 2 tháng đầu quý III/2023, Công ty đạt khoảng 71,9 tỷ đồng lợi nhuận, chỉ tương đương 32,97% lợi nhuận thực hiện trong quý III/2022 (218,1 tỷ đồng). Với tình tình thị trường chưa khả quan, lợi nhuận quý III có thể vẫn suy giảm mạnh so với cùng kỳ như trong hai quý đầu năm.

Vận tải và Xếp dỡ Hải An điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu 2.668,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 18,7% so với kế hoạch ban đầu.

Ngày 28/9/2023, Hội đồng quản trị Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã ban hành Nghị quyết phê duyệt việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023, với doanh thu 2.668,77 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tương ứng giảm 9% về doanh thu và 18,7% về lợi nhuận so với kế hoạch ban đầu.

SSI Research dự báo lợi nhuận quý III/2023 của Vận tải và Xếp dỡ Hải An có thể giảm tới 50% do chi phí lãi vay cao hơn, đồng thời giá cho thuê định hạn và giá cước giao ngay trong nước thấp hơn cùng kỳ. Theo SSI, năm nay, Vận tải và Xếp dỡ Hải An có thể ghi nhận doanh thu giảm 27% (khoảng 2.340,1 tỷ đồng), lợi nhuận giảm 49% (khoảng 419,2 tỷ đồng) so với mức thực hiện trong năm 2022 và sang năm 2024, lợi nhuận đi xuống khoảng 1% so với năm 2023.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra dự báo kém tích cực hơn về kết quả kinh doanh của Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An trong năm 2024, với doanh thu khoảng 2.700 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2023, nhưng lợi nhuận đạt khoảng 92 tỷ đồng, giảm 77% so với ước tính thực hiện trong năm 2023, tương ứng thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là 868 đồng.

Được biết, tính tới cuối năm 2022, sau khi bổ sung tàu Haian Rose, đội tàu của Công ty Vận tải và Xếp dỡ Hải An gồm 11 chiếc, với tổng sức chở gần 16.000 TEU. Theo kế hoạch, cuối năm 2023, Công ty sẽ nhận thêm 1 tàu đóng mới có trọng tải 1.800 TEU, được đầu tư từ tháng 8/2021 (hãng tàu Huanghai Shipping của Trung Quốc) và năm 2024 nhận thêm 2 tàu có cùng trọng tải 1.800 TEU.

Về hoạt động khai thác đội tàu, theo báo cáo của VDSC, trong 9 tháng đầu năm 2023, Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã nhận về 4 tàu cho thuê trước đó là Bell, Rose, East và West. Hiện tại, Công ty chỉ còn 3 tàu cho thuê định hạn; trong đó, tàu Haian Mind sẽ đáo hạn vào tháng 11/2023; tàu Haian View sẽ đáo hạn trong quý I/2024 và tàu Anbien Bay sẽ đáo hạn trong tháng 6/2025.

Khi giá cước vận tải lao dốc, các hợp đồng cho thuê định hạn đã đáo hạn, Công ty gặp rủi ro việc cho thuê mới đội tàu, nếu ký mới thì giá thuê cũng sẽ hạ so với giai đoạn 2021 - 2022.

Gánh nặng đầu tư mở rộng

Báo cáo tài chính bán niên của Vận tải và Xếp dỡ Hải An cho thấy, tại ngày 30/6/2023, Công ty có 497,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính, chiếm 10% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng nợ vay lên tới 1.171,34 tỷ đồng, chiếm 23,5% tổng nguồn vốn.

Với quỹ tiền mặt không quá lớn, trong khi liên tục mở rộng đội tàu, Công ty phải tìm thêm nguồn vốn tài trợ. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 5 năm, dự kiến triển khai trong quý IV/2023, lãi suất cố định 6%/năm.

Đây là trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm, phát hành tại thị trường trong nước. Tài sản đảm bảo bao gồm một tàu biển thuộc sở hữu của Công ty TNHH Vận tải Container Hải An, có tên gọi Haian Bell. Ngoài ra, Công ty còn cam kết sử dụng một tàu đóng mới thuộc sở hữu của Công ty trong tương lai làm tài sản đảm bảo.

Công ty dự kiến dùng 476,84 tỷ đồng thanh toán tiền đặt đóng tàu HCY-266, thời gian giải ngân từ quý IV/2023 - I/2024. Số còn lại để phục vụ chi phí quản lý giám sát, chi phí trang bị ban đầu tư cho tàu HCY-266, thời gian giải ngân trong quý I/2024.

Được biết, giá trị hợp đồng tàu HCY-266 theo hợp đồng số HC2021-19 là 628,8 tỷ đồng, đặt cọc 125,76 tỷ đồng (đặt cọc khoảng 20% giá trị hợp đồng). Như vậy, với chiến lược sẽ nhận thêm 3 tàu mới với cùng trọng tải, giả sử mỗi tàu đều có giá trị hợp đồng trên 600 tỷ đồng, đã đặt cọc 20% giá trị hợp đồng thì giá trị phải thanh toán còn lại tối thiểu là 1.440 tỷ đồng - cao gấp gần 2,9 lần quỹ tiền mặt tại thời điểm giữa năm của Công ty. Để có thể triển khai đồng bộ việc nhận 3 tàu trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Công ty sẽ phải sử dụng nguồn vốn từ bên ngoài để tài trợ quá trình mở rộng đội tàu.

Chiến lược mở rộng đội tàu, được triển khai trong giai đoạn thịnh vượng của ngành tàu biển có thể tạo thêm gánh nặng cho Vận tải và Xếp dỡ Hải An trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vận tải biển khó khăn, doanh thu và lợi nhuận của Công ty suy giảm.

Dù hiệu quả kinh doanh đi xuống và triển vọng kém tích cực trong trung hạn, giá cổ phiếu HAH đi lên mạnh trong thời gian qua, trước khi có nhịp điều chỉnh cùng thị trường chung. Đáng chú ý, từ vùng giá 30.000 đồng/cổ phiếu đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/8/2023, thị giá HAH đã tăng lên vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/10/2023, tương ứng mức tăng 33%.

Tin bài liên quan