Tổng CTCP Vận tải dầu khí Việt Nam - PVTran (PVT) được xem là đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam, chiếm 33% tổng trọng tải cả nước và gần như độc quyền trong lĩnh vực vận chuyển dầu thô, dầu thành phẩm (30% thị phần), khí (90% thị phần).
Việc giá dầu liên tục giảm trong thời gian qua, ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PV Tran cho biết, đã ảnh hưởng chung đến toàn ngành dầu khí, nhưng riêng đối với PV Tran, là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải được hưởng lợi khi chi phí đầu vào (chủ yếu là xăng dầu) giảm mạnh. Năm 2015, Tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hợp nhất tương đối cao, trên 500 tỷ đồng.
Đánh giá về PV Tran, CTCK BSC cho rằng, PV Tran còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn nhờ một số yếu tố như sức cầu tăng từ các dự án lọc dầu mới như Dung Quất, Nghi Sơn. PV Tran đang có kế hoạch mua tàu mới với vốn đầu tư khoảng 80 - 100 triệu USD, nâng công suất vận tải của đội tàu thêm khoảng 65% so với hiện nay.
Theo dự báo của BSC, doanh thu và lợi nhuận của PV Tran trong năm 2016 sẽ ổn định nhờ Tổng công ty đã ký hợp đồng dài hạn (5 năm) với công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, sản lượng vận tải hàng rời sẽ tăng nhờ PV Tran đã ký hợp đồng dài hạn vận chuyển than với Vinacomin từ giữa năm 2015.
Cuối năm 2015, PV Tran đầu tư mua tàu trọng tải 30.000 DWT nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển than tăng lên năm 2016. BSC dự phóng, trong năm 2016, PV Tran đạt doanh thu 5.789 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 424 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do PV Tran có lượng vốn vay ngoại tệ tính đến thời điểm cuối năm 2015 là 100 triệu USD, nên khó tránh khỏi ảnh hưởng từ việc đồng USD tăng giá. Năm qua, với việc đồng USD biến động, Công ty đã chịu mức lỗ tỷ giá khoảng 140 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (VSC), một doanh nghiệp khác trong ngành vận tải biển duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Năm 2015, VSC ước đạt 926 tỷ đồng doanh thu và 293 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo dự phóng của CTCK Vietcombank (VCBS), doanh thu của VSC trong năm nay ước đạt 1.154 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 331 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015.
VCBS cũng dự kiến, sản lượng hàng qua cảng của VSC đạt 360.000 TEUs trong năm 2016 (hơn 70% công suất thiết kế) và sẽ tăng dần lên đạt 800.000 TEUs vào năm 2020, trong đó, có sự đóng góp doanh thu lớn từ cảng VGP. Tuy nhiên, VSC có 2 rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần lưu ý, đó là rủi ro cạnh tranh với cảng Lạch Huyện, Hải Phòng (bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2017).
Mặc dù phân khúc tàu cập cảng Lạch Huyện và cảng VSC khác nhau, tốc độ tăng trưởng sản lượng của VSC được dự báo vẫn sẽ giảm từ năm 2018. Hai là, sản lượng hàng hóa tại cảng Green Port chuyển sang làm hàng tại cảng VIP Green Port, làm giảm lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ.
Thực tế, với nhiều yếu tố thuận lợi trong ngành đã giúp cho các doanh nghiệp cảng biển, logistic tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2015, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Hải Phòng. Cụ thể, CTCP Vận tải và xếp dỡ Hải An (HAH) đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 51% so với năm 2014, CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) đạt tốc độ tăng trưởng 77% so với năm 2014…
Nhìn nhận về triển vọng của ngành cảng biển trong năm 2016, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong năm 2016, các doanh nghiệp cảng biển được hưởng lợi gián tiếp sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại thế giới, nhu cầu về các dịch vụ vận tải, cảng biển được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2016.
Cục Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2016 đạt 470 triệu tấn, tăng 10% so với thực hiện năm 2015; trong đó, hàng container kế hoạch tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 13,3 triệu TEU. Các doanh nghiệp có dòng tiền tốt, ít vay nợ và không có dư nợ ngoại tệ sẽ là tiêu điểm trong năm 2016.
Trong khi đó, theo báo cáo phân tích của BSC, các doanh nghiệp vận tải biển có dư nợ ngoại tệ cao sẽ chịu rủi ro về biến động tỷ giá. Theo tính toán của BSC, với 1% thay đổi của tỷ giá USD/VND, các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết phát sinh lỗ tỷ giá khoảng 51 tỷ đồng.