Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh) vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính giữa Công ty Cho thuê tài chính 1 (ALC1, trụ sở tại Hà Nội) và Công ty TNHH Vận tải biển Kiên Giang (trụ sở tại Nam Ðịnh).
Theo đơn khởi kiện của ALC1, năm 2008, ALC1 và Công ty Vận tải biển Kiên Giang ký hợp đồng cho thuê tài chính. Sau đó, hai bên ký nhiều phụ lục hợp đồng, biên bản làm việc, biên bản thỏa thuận... với nội dung: ALC1 cho Công ty Vận tải biển Kiên Giang thuê tàu vận tải biển K36, chở hàng khô trọng tải 3.193 tấn, giá trị tài sản cho thuê là 25,4 tỷ đồng, dư nợ khi cho thuê là 22 triệu đồng; Công ty Vận tải biển Kiên Giang đặt cọc 3,4 tỷ đồng, ký cược 300 triệu đồng, thời hạn thuê 120 tháng, lãi suất 18,5%/năm, điều chỉnh theo năm; nếu bên thuê vi phạm nghĩa vụ ở mức không thể khắc phục được, ALC1 có quyền thu hồi tài sản thuê và yêu cầu thanh toán toàn bộ số tiền thuê chưa trả…
Quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2012, Công ty Vận tải biển Kiên Giang đã vi phạm nghĩa vụ, để xảy ra nợ quá hạn lớn, kéo dài. Ðến tháng 11/2015, ALC1 ra thông báo chấm dứt hợp đồng và yêu cầu trả nốt tiền thuê. Tháng 7/2016, ALC1 thu hồi tàu và bán đấu giá qua Trung tâm Bán đấu giá thuộc Sở Tư pháp Hà Nội, với giá 13,5 tỷ đồng. Sau khi hạch toán các khoản chi phí, đối trừ nghĩa vụ, Công ty Vận tải biển Kiên Giang còn nợ gốc 4,5 tỷ đồng và nợ lãi 15,6 tỷ đồng.
ALC1 đề nghị Tòa án buộc Công ty Vận tải biển Kiên Giang phải hoàn trả 21,2 tỷ đồng nợ gốc và lãi (tính đến thời điểm khởi kiện); nếu Công ty Vận tải biển Kiên Giang không thực hiện nghĩa vụ, ALC1 có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý bất cứ tài sản nào của công ty này để thu hồi nợ.
Ông Ðặng Minh Hiện, đại diện theo pháp luật của Công ty Vận tải biển Kiên Giang thừa nhận việc ký kết hợp đồng, nhưng ông Hiện cho rằng, quá trình thực hiện, ALC1 đã vi phạm nghĩa vụ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, theo hợp đồng, thời hạn bàn giao tàu là 1 năm. Ðơn vị đóng tàu đã bàn giao từ tháng 5/2010, nhưng đến tháng 8/2011, ALC1 mới bàn giao tàu để Công ty Vận tải biển Kiên Giang khai thác. Việc chậm bàn giao gây ra nhiều thiệt hại, Công ty Vận tải biển Kiên Giang yêu cầu ALC1 phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Theo thỏa thuận hai bên, Công ty Vận tải biển Kiên Giang đã thuê kiểm toán và xác định giá trị tàu là hơn 30 tỷ đồng, ALC1 đã sử dụng hóa đơn VAT tàu K36 nhưng không điều chỉnh hợp đồng thuê.
Kể từ khi nhận nợ, Công ty Vận tải biển Kiên Giang đã trả cho ALC1 gần 12 tỷ đồng. Công ty đề nghị phải lập bảng cân đối tính toán khế ước để biết rõ số nợ, số trả, nợ gốc, nợ lãi. Ngoài ra, ông Hiện đề nghị tòa án xem xét lỗi của ALC1, từ đó xác định giảm số nợ.
Theo bảng tính lãi kỳ hạn mà ALC1 nộp cho tòa án, Công ty Vận tải biển Kiên Giang đã trả 6,2 tỷ đồng tiền thuê gốc và 7,8 tỷ đồng tiền lãi; còn nợ 17,4 tỷ đồng tiền gốc và 15,6 tỷ đồng tiền lãi. Sau khi xử lý tài sản, số nợ còn lại là 20,1 tỷ đồng.
Tòa án cho rằng, có cơ sở để buộc Công ty Vận tải Kiên Giang phải hoàn trả cho ALC1 số nợ. Tuy nhiên, đối với việc ALC1 đề nghị được quyền xử lý các tài sản khác của Công ty Vận tải biển Kiên Giang nếu không trả đủ nợ, Tòa án bác bỏ vì các văn bản ký kết giữa hai bên không có điều khoản này.
Ðối với việc chậm bàn giao tàu, Tòa án cho rằng, ALC1 đã chuyển tiền cho bên đóng tàu đúng thời hạn thỏa thuận, chậm tiến độ là vì có sự thay đổi về máy tàu, lắp đặt thêm các trang thiết bị cho tàu theo yêu cầu của Công ty Vận tải biển Kiên Giang. Sau khi tàu xuất xưởng, tàu chậm bàn giao là vì Công ty Vận tải biển Kiên Giang cần thời gian chạy thử tàu, làm thủ tục kiểm toán, đăng ký, đăng kiểm.
Trên cơ sở này, Tòa án bác yêu cầu xác định lỗi của ALC1, buộc Công ty Vận tải biển Kiên Giang phải trả cho ALC1 số tiền 21,2 tỷ đồng.