Vẫn quy tội lừa đảo dù tài sản đảm bảo là thật

(ĐTCK) Hành vi gian dối là yếu tố cần thiết nhất cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án một tổ chức tín dụng bị chiếm đoạt 152 tỷ đồng, bên vay là bị cáo Hoàng Minh Hiệp (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh tế Hoàng Gia và Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim loại Hoàng Gia) đã khắc phục bằng cách bổ sung một số tài sản thật để đảm bảo khoản vay nhưng không được xem xét.

Bản án phúc thẩm mới đây tuyên bị cáo Hiệp y án chung thân khiến nhiều người lo ngại về việc giám định tài sản bảo đảm.

Bổ sung tài sản thật

Theo bản án sơ thẩm, năm 2011, do làm ăn thua lỗ, bị cáo Hoàng Minh Hiệp sử dụng 4 công ty “ma” (do người thân, nhân viên đứng tên) lập 9 hồ sơ mua bán khống, vay 183 tỷ đồng của một tổ chức tín dụng.

Tài sản đảm bảo là thép và phôi thép, gửi tại kho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thép đặc biệt Shengli Việt Nam và Công ty cổ phần Thép Châu Phong Animex. Số thép này không có thật hoặc có nhưng đã được đem thế chấp cho ngân hàng khác. Các hợp đồng, biên bản xác nhận hàng hóa là khống. Tiền giải ngân sau đó được chuyển về tài khoản 2 công ty do bị cáo Hiệp đứng tên.

Vẫn quy tội lừa đảo dù tài sản đảm bảo là thật ảnh 1

 Bản án phúc thẩm mới đây tuyên bị cáo Hoàng Minh Hiệp y án chung thân

Quá trình vay vốn, Hoàng Minh Hiệp bổ sung tài sản thế chấp gồm: 2 bất động sản, xe ô tô nhãn hiệu Roll Royce Phantom; tổng cộng 23,6 tỷ đồng.

Ngày 5/9/2012, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Cửu Phú thế chấp toàn bộ quyền lợi, lợi nhuận từ mỏ và quyền khai thác mỏ đá Đãn Khao (huyện Lục Yên, Yên Bái) cho bên cho vay để đảm bảo khoản vay cho 2 công ty của Hiệp. Tuy nhiên, dự án chưa được cấp quyết định cho thuê đất do chưa hoàn thiện thủ tục.

Bản án sơ thẩm nhận định không có căn cứ đối trừ dư nợ. Do đó, bị cáo Hoàng Minh Hiệp bị cáo buộc chiếm đoạt của bên cho vay số tiền 152 tỷ đồng và lĩnh án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Kinh tế Hoàng Gia tiếp tục kháng cáo kêu oan lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Tại phiên tòa này, bị cáo đã chứng minh cấp sơ thẩm còn bỏ sót tài sản đảm bảo khác là căn nhà tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Căn nhà được định giá 35,1 tỷ đồng, đảm bảo cho cho khoản vay 12 tỷ đồng trước đó. Vì giá trị tài sản có giá trị lớn hơn định mức giá trị vay, ngày 25/9/2015, các bên ký phụ lục hợp đồng thế chấp bổ sung định mức thừa (khoảng 16 tỷ đồng) vào danh mục tài sản đảm bảo. 

Thừa nhận có hành vi gian dối lập hồ sơ khống, nhưng bị cáo Hiệp cho rằng, cơ quan tố tụng bỏ sót các tài sản bảo đảm là ảnh hưởng quyền lợi bị cáo.

“Khi tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bị cáo vay đã thẩm định rất kỹ khả năng vay vốn, phương án, hàng hóa… Dòng tiền được luân chuyển tài chính để đảo nợ nên không thể nói là lừa đảo”, bị cáo Hiệp khai trước tòa.

Bên cho vay “sẽ xem xét khấu trừ nợ”

Điều gây tranh cãi nhất trong vụ án là hợp đồng thế chấp mỏ đá Đãn Khao được các bên giao kết, công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo. Nhưng cáo trạng loại bỏ tài sản này ra ngoài danh mục tài sản thế chấp.

Nếu tài sản được cơ quan nhà nước chấp thuận thì sẽ không có ý chí chiếm đoạt. Tổ chức tín dụng tự loại bỏ tài sản đảm bảo là trái pháp luật, đẩy nghĩa vụ chuyển sang vụ án hình sự, như vậy ai còn dám tin vào giám định tài sản đảm bảo.

Luật sư Trần Hoàng Anh (bào chữa cho bị cáo Hiệp) cung cấp chứng thư định giá kết luận khu mỏ đá có giá trị quyền khai thác là 257,6 tỷ đồng. Công ty định giá do Công ty tài chính chỉ định. Cộng tổng giá trị tài sản thế chấp lên tới 309,3 tỷ đồng.

Mặt khác, Điều 322 Bộ luật Dân sự quy định, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Thêm nữa, theo quy định, hợp đồng bị tuyên vô hiệu phải có phán quyết của bản án có hiệu lực. Cáo trạng cho rằng, hợp đồng này không có giá trị là trái luật và vượt quá thẩm quyền quy định.

“Nếu tài sản được cơ quan nhà nước chấp thuận thì sẽ không có ý chí chiếm đoạt. Tổ chức tín dụng tự loại bỏ tài sản đảm bảo là trái pháp luật, đẩy nghĩa vụ chuyển sang vụ án hình sự, như vậy ai còn dám tin vào giám định tài sản đảm bảo”, luật sư đặt vấn đề.

Đại diện ủy quyền của bên cho vay cho biết, mục tiêu lớn nhất của tổ chức tín dụng là thu hồi nợ. Sau khi Công ty Cửu Phú được cấp giấy phép khai thác và bị cáo Hiệp bổ sung hồ sơ phụ lục hợp đồng thế chấp căn nhà ở phường Nghĩa Đô, bên cho vay sẽ xem xét khấu trừ khoản nợ.

Tuy nhiên, ngày 13/3/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên án vẫn quyết định giữ nguyên án sơ thẩm đối với bị cáo Hiệp, trong khi bên cho vay hiện vẫn đang nắm giữ các tài sản đảm bảo trên.

Tin bài liên quan