Vẫn quan ngại về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

Luật Đất đai sửa đổi còn tới 44 nội dung cần tiếp tục làm rõ và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng còn một số nội dung cần làm rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên thảo luận.

Chiều 8/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm. Gồm: (1) xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); (2) xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); (3) xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và (4) xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.

Đến nay, đối với 2 dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp rất chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản.

Sáng 20/12/2023 và sáng 21/12/2023, Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội đã họp cho ý kiến chỉ đạo để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.

Đối với 2 nội dung còn lại, Chính phủ đã gửi hồ sơ, tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này.

Về dự kiến chương trình Kỳ họp, ông Cường nêu, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ năm, khai mạc ngày 15/01/2024 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, trong đó có bố trí thời gian nghỉ 1 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc.

Theo đó, dự kiến kỳ họp khai mạc vào thứ Hai, ngày 15/1/2024 và bế mạc vào sáng thứ Năm, ngày 18/1/2024, Quốc hội nghỉ 1 ngày làm việc (ngày 17/1/2024).

Với hai dự án luật, ông Cường đề nghị bố trí Quốc hội nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật, chỉ tập trung vào các điểm mới so với Kỳ họp thứ sáu và những nội dung còn ý kiến khác nhau) vào ngày đầu Kỳ họp và biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp.

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết ông vẫn quan ngại về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Vì thứ bảy tuần trước mới nhận được hồ sơ, vẫn còn một số vấn đề về nội dung cần tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế chỉ là cơ quan tham mưu, còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quyết định có đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua hay không.

Cùng lo ngại, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình hoàn thiện hai dự án luật đã rất linh hoạt về quy trình.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đã làm xuyên Tết Dương lịch, ngày nào cũng làm việc đến 10h đêm để rà soát kỹ thuật, nhưng đến sáng nay mới gửi cho Ủy ban Kinh tế dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, ông Tùng cho biết.

Chủ nhiệm Tùng cũng cho hay, dù như thế, thì việc rà soát cũng chưa được kỹ được yên tâm được như các dự án luật khác. Luật Đất đai còn tới 44 nội dung cần tiếp tục làm rõ, Luật Các tổ chức tín dụng cũng còn 1 số nội dung cần làm rõ.

Trong khi đó, với dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ năm thì chỉ có hai ngày từ khi Quốc hội thảo luận đến khi bấm nút thì rất khó để tiếp thu ý kiến đại biểu, ông Tùng lo ngại.

Điều hành thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý các cơ quan có trách nhiệm gửi tài liệu kỳ họp, nhất là hai dự án luật đến đại biểu không muộn quá để đại biểu có thời gian nghiên cứu, tham gia thảo luận.

Tin bài liên quan