Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Văn phòng xanh đầy triển vọng trong dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty niêm yết tại Việt Nam và trên thế giới đều đang nỗ lực hướng tới mục tiêu “Net Zero”, tạo cơ hội cho phân khúc văn phòng xanh tăng trưởng.

Nhận định trên được Savills đưa ra trong báo cáo về thị trường gần đây. Theo Savills, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế đang thể hiện sự quan tâm lớn tới các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), coi ESG như yếu tố then chốt trong hoạch định chiến lược phát triển và đưa ra quyết định kinh doanh. Đặc biệt, các công ty niêm yết tại Việt Nam và trên thế giới đều đang nỗ lực hướng tới mục tiêu “Net Zero”, áp dụng cả trong kinh doanh và quản trị. Do đó, lựa chọn văn phòng xanh trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp này.

Theo Savills, văn phòng xanh là xu thế không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn khu vực. Hiện nay, trung bình khoảng 40% nguồn cung văn phòng hạng A tại các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương là văn phòng xanh.

Mặc dù Việt Nam có phần chậm hơn trong quá trình chuyển đổi văn phòng xanh, các chủ đầu tư đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp xu hướng toàn cầu. Năm 2020, Hà Nội có tòa nhà đầu tiên đạt chứng chỉ xanh. Sau 4 năm, số lượng tòa nhà xanh đã tăng lên đáng kể. Trong năm nay, ít nhất 2 tòa nhà là Grand Terra 36 Cát Linh và Taisei Square Hà Nội dự kiến sẽ được cấp chứng chỉ xanh. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có 10% nguồn cung văn phòng đạt chứng chỉ xanh.

Trong bối cảnh các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp hướng đến giá trị bền vững đang gia tăng, các chủ đầu tư ngày càng chú trọng đến việc phát triển các tòa nhà xanh. Theo Savills, các dự án xanh đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, đóng góp vào bảo vệ môi trường bền vững, tạo ra không gian làm việc nâng cao sức khỏe tinh thần, tăng tỷ lệ lấp đầy với thiết kế hướng đến khách thuê. Tỷ lệ trống trong dài hạn giảm nhờ vào việc khách thuê thường có xu hướng gắn bó lâu dài với chủ đầu tư.

Cùng với đó, tòa nhà đạt tiêu chuẩn xanh cũng mang lại nhiều lợi ích ở phương diện quản lý vận hành. Thực tế, chi phí xây dựng văn phòng xanh ban đầu có thể cao hơn so với văn phòng truyền thống, song chi phí vận hành sẽ thấp hơn xét trên dài hạn.

Theo Savills, để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến thiết kế và vận hành tòa nhà ngay từ giai đoạn nghiên cứu thị trường và xây dựng. Các yếu tố cơ bản về thiết kế có thể kể đến như vật liệu xây dựng, chất liệu sử dụng thân thiện, bền vững với môi trường. Ví dụ, các toà nhà xanh sẽ cố gắng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, cửa sổ cách âm, cách nhiệt để giảm thiểu điện năng khi dùng điều hòa, hay sử dụng các thiết bị vệ sinh thuộc loại tiết kiệm nước tối đa.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành, các tòa nhà cần tiếp tục bám sát tiêu chuẩn xanh. Việc tối ưu công tác vận hành và quản lý hiệu quả năng lượng sử dụng tại các tòa nhà xanh sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư cũng như người sử dụng. Ngoài ra, các công trình có chứng chỉ xanh góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam tại COP26.

Với các tòa nhà đã đi vào vận hành nhưng muốn chuyển đổi sang tòa nhà xanh, chủ đầu tư cần chú trọng đến các hoạt động cải tạo để đáp ứng các tiêu chí của loại chứng chỉ xanh phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, ví dụ như EDGE, LEED, WELL hay BCI. Hiện nay các tòa nhà ở Việt Nam, đa phần chứng chỉ được áp dụng là LEED và EDGE

Tin bài liên quan