Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp ngày 10/2/2023 chuẩn bị cho họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 -2023, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) với sự tham gia của một số bộ, ngành.
Tiếp đó ngày 22/3/2022, tức là sau gần 2 tuần diễn ra cuộc họp, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 51/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với nhiều nội dung cụ thể và báo cáo Phó thủ tướng trước ngày 25/2/2023 để xem xét xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước khi đưa ra Hội đồng thẩm định.
Như vậy có khoảng 2 ngày để Bộ Công thương hoàn thiện Dự thảo nếu báo cáo đúng theo thời gian được đưa ra.
Tuy nhiên tới ngày 9/3/2023, Văn phòng Chính phủ vẫn chưa nhận được báo cáo hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công thương gửi Phó thủ tướng.
Được biết, tại Thông báo số 51/TB-VPCP, Phó thủ tướng đã yêu cầu Quy hoạch Điện VIII phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, cung cấp đủ điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong thời kỳ quy hoạch và những năm tiếp theo; có các biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong bối cảnh có nhiều biến động trong ngành năng lượng do các vấn đề địa chính trị, địa kinh tế diễn ra trên thế giới và phát triển rất nhanh chóng của công nghệ trong ngành năng lượng, nhất là với nguồn năng lượng tái tạo.
Bộ Công thương cũng phải bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để quá trình quản lý thực hiện quy hoạch vừa có tính chủ động và có tính linh hoạt, ít phải điều chỉnh như kết luận của Thường trực Chính phủ; định hướng nguồn phân tán cùng với hạ tầng truyền tải; quy hoạch tránh quá chi tiết, nhiều tầm nhìn; sau Quy hoạch cần triển khai chi tiết kế hoạch, Dự án năng lượng.
Phải bảo đảm cơ cấu các nguồn điện theo đúng chủ trương đường lối của Đảng về phát triển năng lượng, thực hiện cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và cân đối cung - cầu các vùng miền tối ưu, hợp lý để giảm khối lượng đầu tư lưới điện truyền tải, giảm tổn thất điện năng và có giá điện hợp lý nhất.
Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh để phát huy hiệu quả của hệ thống điện tích hợp các nguồn điện truyền thống chạy nền và các nguồn điện năng lượng tái tạo; tính toán hoàn thiện thêm các nội dung liên quan đến nguồn điện tự sản tự tiêu, bán điện tại chỗ, mua bán điện trực tiếp theo tình thẩn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc tổng thể của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Cần có dự báo kỹ hơn về xu thế phát triển công nghệ trong ngành năng lượng, lộ trình sản xuất hydrogen, amoniac xanh trên thế giới và ở nước ta để tính toán hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII; nghiên cứu biện pháp quản lý chủ động, hiệu quả để khuyến khích phát triển hợp lý năng lượng tái tạo tự sản, tự tiêu - sản xuất năng lượng tái tạo xuất khẩu - xuất khẩu năng lượng, nhiên liệu sạch và khuyến khích hợp lý khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi cho xuất khẩu năng lượng, sản xuất nhiên liệu sạch khi có công nghệ phù hợp, phải coi việc thức hiện chuyển đổi năng lượng công bằng đã ký kết như là một giải pháp thực hiện quy hoạch; tiếp tục rà soát quy hoạch thuỷ điện tích năng, pin lưu trữ hợp lý gắn với phát triển năng lượng tái tạo ở nước ta.
Phó thủ tướng cũng chỉ đạo làm rõ cơ sở đưa nguồn điện tái tạo từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch điện VIII; cần phân tích làm rõ hiệu quả kinh tế - xã hội, tính khả thi, phải đảm bảo đầu tư đồng bộ hạ tầng truyền tải, cân đối nguồn, đánh giá tác động kinh tế - xã hội - pháp lý và cũng cần phân tích rõ nếu không hiểu quả kinh tế thì không đưa vào quy hoạch.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng được yêu cầu bổ sung giải trình số liệu điện mặt trời trong Quy hoạch với số liệu Thanh tra Chính phủ nêu (có khác), chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo.
Đồng thời bổ sung báo cáo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến nội dung làm việc với các đối tác liên quan khi rà soát quy hoạch một số nguồn điện than đã có quy hoạch và đang triển khai.