Văn phòng Chính phủ liên tiếp ra văn bản yêu cầu các Bộ báo cáo về xuất khẩu gạo

Văn phòng Chính phủ liên tiếp ra văn bản yêu cầu các Bộ báo cáo về xuất khẩu gạo

Hai bộ Công thương và Tài chính đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu có báo cáo về hoạt động xuất khẩu gạo trước ngày 18/4/2020 theo văn bản 2969/VPCP-KTTH.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm 3, công văn 2827/VPCP-KTTH. Trong đó, phải nêu cụ thể về cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống, công tác phối hợp với Bộ Công thương về việc này.

Bộ Tài chính cũng được yêu cầu báo cáo việc mua gạo dự trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với Bộ Công thương cũng được yêu cầu báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo theo cũng theo điểm 3 tại văn bản 2827/VPCP-KTTH và công tác phối hợp với Bộ Tài Chính đề thực hiện chỉ đạo này.

Được biết, trong ngày 15/4, trước khi có yêu cầu báo cáo theo văn bản 2969/VPCP-KTTH, Văn phòng Chính phủ đã phát công văn số 2953/VPCP-KTTH yêu cầu Bộ Công thương chuẩn bị báo cáo về xuất khẩu gạo liên quan đến hai địa phương là Long An và An Giang

Cũng để chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu văn bản 2953/VPCP-KTTH, Bộ Công thương lại có công văn hoả tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cho biết về nội dung, gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia không và tác động ảnh hưởng của gạo nếp được trồng từ tỉnh Long An và tỉnh An Giang với an ninh lương thực quốc gia cũng như thông tin về sản lượng, diện tích gieo trồng của gạo nếp của 2 địa phương này theo từng vụ và kiến nghị về xuất khẩu gạo nếp trong thời gian tới.

Cũng trong ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có Báo cáo nhanh gửi tới Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành nhắc tới việc một số thương nhân đã gặp phải tình huống lạ, đó là các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4, đã có số tờ khai và đã phân vào luồng đỏ. Tuy nhiên, đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4/2020.

VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân như vậy và các thương nhân hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.

Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có số tờ khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng ngày 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định.

Theo số liệu của VFA, tính đến ngày 15/4, đã có 41 thương nhân gửi văn bản về văn phòng hiệp hội cập nhật số lượng gạo đang chờ xuất tại cảng và đóng tại kho.

Cụ thể, số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ, đang chờ thông quan (mở tờ khai hôm 12/4) là 58.209 tấn; số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, được phân luồng đỏ nhưng không được ghi nhận (mở tờ khai ngày 11/4 và 13/4) là 14.268 tấn; số lượng gạo các loại đã nhận được số tờ khai, tuy nhiên chưa được phân luồng là 18.193 tấn; số lượng gạo các loại chưa mở được tờ khai, đang chờ xuất tại cảng và hàng đóng tại kho là 55/782 tấn.

Chủ tịch VFA, ông Nguyễn Ngọc Nam cho hay, rất nhiều thương nhân đang có hàng sẵn sàng trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối diện với tất cả các chi phí phát sinh từ các container hàng trên cảng phải ngừng do lệnh tạm dừng xuất khẩu từ 18 ngày trước, thậm chí có nguy cơ phá sản do chi phí phát sinh mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng và nghĩa vụ bồi thường hợp đồng cho khách hàng.

Tin bài liên quan