Dự án Khu dân cư C.T.C hiện không có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM. Ảnh: Hải Phong

Dự án Khu dân cư C.T.C hiện không có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM. Ảnh: Hải Phong

Vạn Phát Hưng (VPH) bị "tuýt còi" 3 dự án lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ba dự án đang được Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng (mã VPH, sàn HOSE) triển khai bán hàng đều bị cơ quan chức năng kết luận có sai phạm, gây rủi ro cho người mua nhà.

Thanh tra tuýt còi

Được biết đến là một trong những doanh nghiệp địa ốc sở hữu quỹ đất lớn tại TP.HCM, nhưng hoạt động kinh doanh những năm gần đây của Vạn Phát Hưng theo chiều hướng đi xuống. Nếu như năm 2017, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 190,7 tỷ đồng, thì sang năm 2018 giảm xuống 146,5 tỷ đồng và lao dốc trong các năm 2019 và 2020 khi lần lượt đạt 34,6 tỷ đồng và 13,6 tỷ đồng.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, Vạn Phát Hưng đặt mục tiêu lãi sau thuế 72,4 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với thực hiện năm 2020 với nguồn thu chính từ việc mua bán, chuyển nhượng dự án. Cụ thể, Vạn Phát Hưng sẽ chuyển nhượng 55% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ An Hưng cho Công ty TNHH Lotte Land, bán các sản phẩm còn lại thuộc dự án C.T.C và hoàn tất việc chuyển nhượng block Y tế thuộc Khu dân cư La Casa, bên cạnh tìm kiếm đối tác chuyển nhượng dự án Nhơn Đức.

Kế hoạch là vậy, nhưng hoàn thành được hay không lại là vấn đề khác, bởi một số dự án của chủ đầy tư này bị kết luận vướng sai phạm. Đơn cử, tại dự án Khu dân cư Nhơn Đức, kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM chỉ rõ, quá trình thực hiện dự án đã phát sinh nhiều sai phạm, thiếu sót của chủ đầu tư trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư đất đai, xây dựng, nhà ở… như nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trước khi được chấp thuận địa điểm đầu tư; đầu tư xây dựng công trình trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất trên thực địa; thi công xây dựng các công trình hạ tầng và móng cọc nhà (trên 500 m2) khi không có giấy phép xây dựng; bán 370 nền đất có móng cọc tại dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; bàn giao nhà ở để đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu…

Với dự án Khu dân cư La Casa phường Phú Thuận, quận 7, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một loạt sai phạm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai, xây dựng như UBND TP.HCM không thực hiện đánh giá năng lực về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của chủ đầu tư; UBND quận 7 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500, nhưng các chỉ tiêu điều chỉnh không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 do địa phương phê duyệt; Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng giai đoạn I của khối nhà 3A-3B, 4A-4B, 6A-6B và tầng hầm khối thương mại, dịch vụ, văn phòng có lưu trú, nhà trẻ của dự án được phép xây dựng 2 tầng hầm là không đúng với quy hoạch được duyệt...

Ngoài ra, Vạn Phát Hưng khởi công dự án La Casa khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; UBND TP.HCM và các sở, ngành chức năng chưa thực hiện việc kiểm tra, tính toán và truy thu tiền sử dụng đất do việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 làm thay đổi công năng.

Dự án La Casa bị kết luận vướng một số sai phạm. Ảnh: Hải Phong

Dự án La Casa bị kết luận vướng một số sai phạm. Ảnh: Hải Phong

Khách hàng lo ngại rủi ro

Hiện nay, trong bối cảnh kinh doanh năm 2020 tụt dốc, điều các cổ đông Vạn Phát Hưng quan tâm trong năm nay là làm sao cải thiện được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp theo chỉ tiêu đề ra, còn với những khách hàng mua nhà tại những dự án bị kết luận sai phạm đang canh cánh nỗi lo ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp.

Chẳng hạn, tại dự án La Casa, ở thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thành nhiều hạng mục và đưa vào sử dụng như khối 1A-1B và khu nền liên kế đã bàn giao cho khách hàng. Các block khác của dự án cũng đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác để tiếp tục xây dựng và bàn giao cho người mua.

Hay với dự án đang được mở bán và kỳ vọng thu lợi nhuận ngay trong 6 tháng cuối năm nay là Khu nhà ở tại phường Long Trường (Khu dân cư C.T.C) quy mô 2,3 ha do Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch C.T.C làm chủ đầu tư và Vạn Phát Hưng là đơn vị phát triển cũng đã bán được 70% sản phẩm, nhưng theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, dự án đã hết thời gian thực hiện từ năm 2011 và không có trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của Thành phố.

Điều đáng nói là ngay sau khi Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND TP.HCM (tháng 8/2020) thì cũng là lúc chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án bắt tay vào san ủi, ép cọc, thi công hạ tầng. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng và chào bán ra thị trường với mức giá dao động từ 38-42 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Để làm rõ hơn các thông tin, phóng viên đã đến trực tiếp Công ty Vạn Phát Hưng tại quận 7 thì được biết doanh nghiệp đã chuyển trụ sở về huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sau đó nhiều lần liên lạc theo số điện thoại ghi trên webside Công ty nhưng cũng không có người nghe máy.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 194 - Luật Đất đai năm 2013 và Điều 42 - Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở.

Do vậy, trường hợp chủ đầu tư khởi công dự án khi chưa được chấp thuận đầu tư, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, đồng thời chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng một phần dự án hoặc toàn bộ dự án cho khách hàng (cá nhân, tổ chức) là trái quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở, đầu tư.

Nói cách khác là các cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà trong trường hợp này đã tham gia vào giao dịch không có hiệu lực (giao dịch vô hiệu), bởi lẽ các bất động sản mà khách hàng nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật.

“Như vậy, khi mua phải những bất động sản này, khách hàng dễ gặp rủi ro về mặt pháp lý và một trong những khả năng có thể xảy ra là những nhà đất này sẽ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, luật sư Tuấn chia sẻ.

Tin bài liên quan