Công nhân Công ty Texwell Vina tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (tỉnh Đồng Nai) bất ngờ trước việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ảnh: Ngọc An

Công nhân Công ty Texwell Vina tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (tỉnh Đồng Nai) bất ngờ trước việc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ảnh: Ngọc An

Vẫn khó xử lý chủ dự án FDI bỏ trốn?

Gần đây, một số chủ dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai đã bỏ trốn, để lại hậu quả nặng nề. Trong khi đó, hàng chục doanh nghiệp khác đang lỗ nặng, cần kiểm soát chặt để tránh diễn biến tương tự.

Vẫn “kẹt” vụ Texwell Vina

Tết Nguyên đán đã cận kề và một lần nữa, “sự cố” liên quan đến Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, Đồng Nai) vẫn còn… nóng, không chỉ bởi vụ việc này xảy ra đúng dịp áp Tết cách đây gần 1 năm, mà quan trọng hơn, hậu quả của nó đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Chia sẻ câu chuyện của Texwell Vina, mới đây, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều vấn đề liên quan chưa xử lý dứt điểm và số tiền mà ngân sách nhà nước tạm ứng để giải quyết việc này vẫn chưa thu hồi được.

Cần nhắc lại rằng, sự việc này bùng phát vào đầu tháng 2/2018 khi toàn bộ lãnh đạo người nước ngoài của Công ty Texwell Vina (chuyên sản xuất, gia công hàng may mặc - PV) bỏ về nước ngay trước thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán mà chưa trả lương tháng 1/2018 cho 1.928 công nhân với số tiền hơn 13,6 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nợ bảo hiểm xã hội và các khoản khác lên tới hàng chục tỷ đồng.

Để giải quyết tình thế cấp bách đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm ứng tiền từ ngân sách để trả 50% lương tháng 1/2018 cho công nhân của Công ty Texwell Vina, với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai đang bị thua lỗ hầu hết hoạt động trong các khu công nghiệp, với vốn đăng ký không lớn, chỉ vài triệu USD mỗi doanh nghiệp, song số nợ có thể vượt nhiều lần vốn đầu tư.   

Căn cứ các quy định hiện hành, sự việc xảy ra như ở Công ty Texwell Vina sẽ được giải quyết theo diện doanh nghiệp FDI vắng chủ. Theo đó, trong quá trình tiếp nhận và xử lý sự việc, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành quản lý các tài sản của doanh nghiệp. Sau đó, các tài sản này sẽ được định giá và phát mại để thanh toán các khoản tiền mà doanh nghiệp còn nợ.

“Theo dự tính ban đầu, với các lô hàng đã sản xuất đang được lưu giữ tại Công ty nếu được bán ngay thì có thể sẽ thu lại đủ số tiền mà ngân sách nhà nước đã tạm ứng”, ông Nguyên cho biết. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện lại không dễ dàng và suôn sẻ như dự tính, bởi các quy định hiện hành để giải quyết vấn đề này chưa đầy đủ và đồng bộ. Trong khi đó, hàng may mặc lại mang yếu tố đặc thù, vì đây là sản phẩm thời trang, để lâu sẽ bị… lỗi mốt. Do đó, thời gian giải quyết càng chậm, thì giá bán càng giảm, dẫn đến số tiền thu lại được càng ít đi.

Thời điểm xảy ra sự việc ở Công ty Texwell Vina khá nhạy cảm, nên cách giải quyết của tỉnh Đồng Nai được nhìn nhận là mang tính nhân văn, trong ngắn hạn sẽ giải quyết được vấn đề bức xúc của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gần 1 năm đã trôi qua, song tỉnh này vẫn bị “kẹt” với nhiều vấn đề liên quan đến Công ty Texwell Vina. Sự việc này, thêm một lần nữa cho thấy, cần có cách giải quyết căn cơ, đúng pháp luật đối với những doanh nghiệp FDI vắng chủ - câu chuyện đã và đang gây “đau đầu” cho các địa phương, trong đó có Đồng Nai.

Khoảng 30 doanh nghiệp thua lỗ nặng

Thực tế, câu chuyện của Công ty Texwell Vina không phải là riêng lẻ, bởi chỉ tính riêng trong năm 2018 tại Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ như vậy. Vụ việc khác xảy ra vào tháng 11/2018, khi chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc của Công ty TNHH một thành viên Cho Won (Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch) bỏ về nước, để lại khoản nợ là 2 tháng lương của 42 công nhân, nợ bảo hiểm xã hội 120 triệu đồng, nợ ngân hàng và khách hàng 23 tỷ đồng…

Điểm chung của 2 doanh nghiệp nêu trên là đều thuê lại nhà xưởng của những công ty khác để sản xuất. Khi chủ doanh nghiệp bỏ về nước đã để lại khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội... lên đến vài chục tỷ đồng.

Theo rà soát và tổng hợp mới nhất của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong số các doanh nghiệp FDI đang hoạt động, có khoảng 100 doanh nghiệp đang trong diện thua lỗ. Trong số này, có khoảng 30 doanh nghiệp bị lỗ nặng, vượt quá vốn đầu tư.

Một vị lãnh đạo Ban Quản lý cho biết, chưa thể công bố tên rộng rãi những doanh nghiệp trên. Song Ban cũng đã gửi thông tin cho ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, công an để theo dõi và có biện pháp xử lý, không để chủ các doanh nghiệp này bỏ trốn về nước.

Trước đó, năm 2014, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đã báo cáo danh sách 47 doanh nghiệp FDI vắng chủ, đã đăng ký quá 12 tháng mà chưa hoạt động. Tính đến nay, số doanh nghiệp đã được giải quyết chưa đáng là bao, trong khi lại có thêm nhiều doanh nghiệp mới vào danh sách này.

Trước thực trạng như trên, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, Liên đoàn Lao động, công an phối hợp đưa những doanh nghiệp FDI đang nợ nần nhiều vào “danh sách đặc biệt”. Theo đó, những doanh nghiệp này được theo dõi nghiêm ngặt, khi xảy ra tình trạng ngưng hoạt động sẽ buộc chủ doanh nghiệp thanh toán đầy đủ mọi khoản nợ, cương quyết không để họ bỏ trốn về nước.

Tin bài liên quan