Nhận định này được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đưa ra tại diễn đàn “Cơ hội lớn -Thách thức lớn cho các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2014” trong khuôn khổ Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh trợ giúp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội giữa Sở Công thương Hà Nội và Công ty TNHH Reed Tradex (Thái Lan) vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo ông Duangdej Yuaikwamdee, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex, một trong những nhà tổ chức triển lãm hàng đầu về công nghiệp phụ trợ tại Thái Lan, quá trình tăng trưởng xuất khẩu trong khu vực Asean những năm gần đây cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng vượt trội, trong khi chỉ số này đang sụt giảm ở các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt là ở các mặt hàng linh kiện điện, điện tử.
“Xuất khẩu các mặt hàng điện tử và linh kiện điện tử của Việt Nam đã tăng gần 68% trong năm 2012 và 35% trong năm 2013. Xuất khẩu mặt hàng điện thoại và các linh kiện điện thoại còn ngoạn mục hơn, lần lượt tăng tới 85% và 67% trong 2 năm này. Quý I năm nay, xuất khẩu của Việt Nam ở các lĩnh vực này cũng tăng ít nhất 15% trong khi tỷ trọng và sản lượng xuất khẩu của các nước thành viên ASEAN có xu hướng sụt giảm. Đó là lý do vì sao, Việt Nam ngày càng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu nước ngoài trong các lĩnh vực điện tử và công nghệ thông tin”, ông Duangdej phân tích.
Đây có thể coi là kết quả tích cực của một quá trình lựa chọn và đầu tư được định hướng đúng đắn của các nhà sản xuất điện tử điện thoại hàng đầu như Intel, Samsung, LG, Foxconn và Nokia trong 5 năm qua, khi họ đã chọn Việt Nam trở thành địa điểm vững chắc cho việc di dời các nhà máy sản xuất tới. Trong đó, không ngạc nhiên khi Samsung quyết định biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” sản xuất và xuất khẩu điện thoại, linh kiện điện tử, điện thoại lớn nhất thế giới bằng việc rót vốn đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên trên 2 tỷ USD năm ngoái. Bên cạnh đó, LG, Canon và Foxconn cũng không kém cạnh khi mở rộng thêm các dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại và thiết bị điện tử tại Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, sự đổ bộ của những “người khổng lồ” này đã đưa vị thế của Việt Nam trở nên ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng các linh kiện điện tử cũng như các sản phẩm linh kiện điện thoại trong khu vực và toàn cầu. Và với nhiều dự án đầu tư theo gót những người khổng lồ đang được đổ vào Việt Nam, các chuyên gia dự báo cơ hội kinh doanh tiếp tục hướng về phía các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nếu họ nắm bắt được vận hội này.
Một nhân tố tích cực khác cũng được các diễn giả nhắc tới là, tốc độ tăng trưởng khá cao của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong những năm gần đây sẽ tạo điều kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Với tổng doanh số bán vượt mức 110.000 xe trong năm 2013, tăng gần 20% so với năm 2012 và mức tăng trưởng kỳ vọng 10 - 15% trong năm nay, ngành công nghiệp then chốt này đòi hỏi hệ thống công nghiệp phụ trợ sẽ phải tăng trưởng tương thích. Đây cũng là một trong 5 ngành nằm trong mục tiêu quốc gia từ nay đến năm 2020: tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bao gồm ô tô, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí và da giày. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những cơ hội này là điều kiện hết sức thuận lợi để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt, tạo đà phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để trở thành một trong những nhà cung ứng quan trọng trong chuỗi công nghiệp phụ trợ của khu vực và toàn cầu.
“Để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này, rất cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể từ tầm nhìn của các nhà lãnh đạo cũng như sự cần thiết của Chính phủ trong việc hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp phụ trợ then chốt”, ông Lộc nhấn mạnh.
Đánh giá về xu thế phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, ông Duangdej cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít cơ hội để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp sản xuất phụ trợ khu vực và toàn cầu.
“Việc các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng đầu tư các dự án sản xuất, chế tạo vào Việt Nam sẽ mang theo những bí quyết về công nghệ. Quá trình chuyển giao công nghệ sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam dần dần phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ của mình. Trong điều kiện này, Việt Nam tiến tới sẽ có thể xuất khẩu được các phụ tùng cơ khí, điện tử sang các nước Đông Nam Á khác, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các linh phụ kiện cho các nhà sản xuất lớn trên thế giới khi khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp phụ trợ tăng lên trong vài ba năm tới”, ông Duangdej nhấn mạnh.