Văn hóa rủi ro phải thay đổi để bảo vệ hệ thống tài chính

(ĐTCK) Các công ty tài chính đang bỏ qua rủi ro khi chạy theo lợi nhuận, do lượng thanh khoản dư thừa mà các ngân hàng trung ương tạo ra và một môi trường lãi suất thấp kéo dài.
Văn hóa rủi ro phải thay đổi để bảo vệ hệ thống tài chính

Các nguyên nhân chính  của những cuộc khủng hoảng tài chính trước đây đang bị lãng quên ở nhiều định chế tài chính”, Chủ tịch kiêm CEO của William R Rhodes Global Advisors, nguyên Phó chủ tịch CitiGroup và Citibank, ông William Rhodes nhận định.

Theo Rhodes, quản lý cao cấp và hội đồng quản trị ở các định chế tài chính lẽ ra cần tập trung hơn vào lĩnh vực quản trị rủi ro và văn hóa rủi ro nhưng một số có lẽ không làm như vậy. Cơ quan quản lý và giám sát nên gây sức ép buộc các công ty tài chính chú ý nhiều hơn đến văn hóa quản trị rủi ro, và quy định pháp lý cũng cần thay đổi trong lĩnh vực này. Khả năng của các công ty tài chính trong việc này có lẽ đã bị suy giảm do tập trung vào vấn đề số lượng vốn và thanh khoản hơn là chất lượng của các gói tài chính, một khía cạnh không kém phần quan trọng, liên quan đến văn hóa và ứng xử rủi ro.

Trên thực tế, những ví dụ mới về ứng xử rủi ro thiếu thận trọng vẫn tăng lên hầu như mỗi ngày. Tờ Financial Times từng có bài lưu ý về tốc độ tăng nhanh của hoạt động cho vay dưới chuẩn ở Mỹ đối với những khách hàng không có tín nhiệm khi họ mua xe hơi. Một dấu hiệu cảnh báo khác là báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế về tỷ lệ 40% các khoản tín dụng liên kết dành cho những khách hàng có xếp hạng tín nhiệm đầu tư thấp, tỷ lệ này sau đó tăng lên vào năm 2007.

Nhìn rộng hơn, giá trị tăng lên ở các thị trường cổ phiếu, bất động sản cao cấp và đặc biệt là các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật, rất ít liên quan đến nền tảng kinh tế. Giá trị của các tài sản này tăng vọt, trong khi hoạt động thương mại thế giới đình trệ. Tăng trưởng kinh tế thực là không đáng kể ở hầu hết khu vực đồng euro và ở Nhật Bản. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong 12 tháng qua thấp hơn 2%, trong khi cùng kỳ, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 17%.

Trong bối cảnh đó, nợ ở các thị trường mới nổi nhìn chung đã tăng gần 5 lần kể từ năm 2008. Mức tăng này vượt rất xa so với tăng trưởng thực của các nền kinh tế thị trường mới nổi. Một vài trong số này chỉ có mức tăng trưởng nghèo nàn và dễ bị tổn thương hơn với bất kỳ thay đổi chính sách tiền tệ nào trong tương lai.

Trong khi nền kinh tế Trung Quốc không có vẻ tăng trưởng theo đúng nhịp điệu mong muốn 7,5%/năm của Chính phủ nước này, điều đó một phần xuất phát từ tốc độ tăng trưởng tín dụng. Hậu quả của tình trạng này là bong bóng nổi lên ở các thị trường bất động sản nóng. Hệ thống ngân hàng đen cũng đang mở rộng nhanh chóng và chỉ được kiểm soát một cách hời hợt, trong khi đây tiếp tục là kênh cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp nhà nước và các thành phố tự trị.

Trên thế giới, các nhà quản lý của một số công ty tài chính đã không quan tâm thích đáng đến việc hạn chế hoạt động rủi ro. Ở một mức độ nào đó, họ cảm thấy áp lực cạnh tranh phải luôn tạo ra các kết quả kinh doanh hàng quý tốt hơn. Trong khi đó, ban điều hành doanh nghiệp vẫn không được trang bị đúng cách để giám sát quản trị rủi ro và thay đổi văn hóa hiện tại.

Một quan ngại khác là, tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn chú trọng vào vấn đề vốn cơ bản, thanh khoản và các thước đo khác, trong khi dành ít sự chú ý cho ứng xử rủi ro.

Giới chức Anh và Mỹ, trong khi đó, ngày càng trở nên lo lắng về tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động ngân hàng. Điều này chắc chắn cần thiết, nhưng họ lại thiếu sự quan tâm đến các vấn đề rộng hơn liên quan đến việc chạy theo lợi nhuận trước mắt và coi nhẹ rủi ro hệ thống trong tương lai.

Fed có một vai trò then chốt để thay đổi thực trạng này. Richard Fisher, Chủ tịch Fed ở Dallas, nói trong một phát biểu gần đây: “Tôi tin chúng ta đang có cảm giác dư thừa tài chính, điều mà chính chúng ta tạo ra. Khi tiền trở nên rẻ rúng và xuất hiện nhan nhản, một cách tự nhiên, các nhà hoạt động tài chính sẽ chạy theo lợi suất”.

Ông Fisher đã nói đúng và Fed nên sử dụng sức mạnh của mình để buộc lãnh đạo các ngân hàng Mỹ lưu tâm đến khía cạnh an toàn như là một giá trị văn hóa cốt lõi. Với khoảng 75% thị trường vốn Mỹ nằm trong tay các định chế tài chính phi ngân hàng, sẽ là quan trọng khi Ủy ban Chứng khoán và giao dịch và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai tham gia cùng Fed để kêu gọi cộng đồng tài chính dành sự quan tâm thỏa đáng hơn đến lĩnh vực quản trị rủi ro.            

Tin bài liên quan