Văn hóa Quản trị Công ty – Hòn đá tảng trong phát triển bền vững

Văn hóa Quản trị Công ty – Hòn đá tảng trong phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quản trị công ty không phải là một khái niệm mới, tuy nhiên văn hóa quản trị lại là một khái niệm mới được nhắc đến dù đây chính là nền móng của phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Quản trị công ty đi tới đâu, văn hóa quản trị công ty đi tới đó

Tại Việt Nam, công tác quản trị công ty bắt đầu được quan tâm sau khi các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán trải qua tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng cận kề vốn, thúc đẩy sự phát triển bền vững, cũng như lấy lại đà phát triển nhanh sau cuộc khủng hoảng.

Hiểu được tầm quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam đều đã và đang đầu tư để cải thiện và nâng cao từng bước chất lượng Quản trị Công ty ( QTCT). Tuy nhiên, đây vẫn là sự sự trăn trở không nhỏ khi Việt Nam vẫn xếp hạng duy trì vị trí thứ 6, nằm cuối bảng xếp hạng theo kết quả chấm Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN mới nhất năm 2022.

Để có thể quản trị công ty chất lượng cũng như có thể theo kịp sự tiến bộ của các quốc gia trong khu vực, chia sẻ tại Chương trình Chứng nhận Thành viên HĐQT lần thứ 20 (DCP20) do Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cùng các đối tác tổ chức, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD cho biết, các thành viên hội đồng quản trị của doanh nghiệp cần tham gia các chương trình đào tạo bài bản, tham khảo và bắt nhịp cùng với những xu hướng, thực tiễn quản trị tiến bộ nhất khu vực và thế giới. Đặc biệt, hội đồng quản trị công ty còn cần xây dựng văn hóa quản trị công ty lành mạnh và hiệu quả.

Liên tục trong tháng 7 và tháng 8, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) đã tổ chức Chương trình “Director Talk” – diễn đàn của các thành viên HĐQT để chia sẻ về chủ đề này.

Trên thực tế, văn hóa quản trị công ty (Corporate Governance Culture) đâu đó đã xuất hiện trong cách thức vận hành của hội đồng quản trị, cũng như trong tương tác giữa hội đồng quản trị và các bên liên quan, nhưng ít khi được gọi tên rõ ràng.

Văn hóa quản trị công ty là triết lý (philsophy) và bộ hành vi ứng xử (combination of behaviors) của từng cá nhân và thành viên tham gia trong môi trường quản trị của từng doanh nghiệp. Văn hóa quản trị công ty có thể được coi là “mạch máu” chạy xuyên suốt trong các mối quan hệ, tương tác của các nhóm trong hệ thống sinh thái quản trị công ty. Đó là quan hệ giữa thành viên và văn phòng hội đồng quản trị với nhau; hội đồng quản trị và ban giám đốc, và hội đồng quản trị, ban giám đốc với các bên có quyền và lợi liên quan trong cộng đồng doanh nghiệp: cổ đông, nhà đầu tư, nhà cung cấp, tất cả các bên liên kết quan hệ khác trong xã hội, và không thể thiếu đó là tập thể người lao động trong doanh nghiệp.

Văn hóa quản trị công ty vừa là lực dẫn vừa là lực thúc đẩy phát triển bền vững

Theo khảo sát IESE Business School năm 2022, hơn 150 thành viên Hội đồng quản trị khi được hỏi về các yếu tố đại diện cho văn hóa doanh nghiệp trên thang điểm từ 1-5. Uy tín (4,47/5), tính minh bạch (4,29/5), môi trường hợp tác (4,18/5) là ba yếu tố chính đại diện cho văn hóa doanh nghiệp, không kể loại hình doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước. Tuy nhiên, tác động của văn hóa doanh nghiệp đến việc tạo dựng giá trị, mục tiêu của từng doanh nghiệp là khác nhau, qua đó có thể thấy văn hóa quản trị công ty là điều tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD

Mỗi cá nhân trong môi trường quản trị công ty sẽ mang một màu sắc khác nhau. Nhưng một khi kiến tạo được văn hóa quản trị công ty lành mạnh, các thành viên HĐQT, Ban điều hành nhận thức, có những cách thức và góc tiếp cận để gắn kết giá trị của bản thân với các mục tiêu của công ty, cũng như mức độ tuân thủ với các mục tiêu đặt ra.

Bà Hà Thu Thanh cho biết, văn hóa quản trị công ty vừa là lực đẩy, đồng thời là lực dẫn của doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững.

Văn hóa quản trị công ty sẽ dẫn dắt dẫn các thành viên hội đồng quản trị và các bên có quyền và lợi ích liên quan đi theo những giá trị chung của doanh nghiệp, để đạt được mục tiêu chung, chứ sẽ phải tùy chỉnh mục tiêu theo ý kiến cá nhân khi có những biến số và khủng hoảng bên ngoài. Mặt khác, văn hóa hội đồng quản trị đồng thời cũng là lực đẩy, là nền tảng của phát triển bền vững.

Khi đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp buộc phải đi theo lộ trình phát triển bền vững để tồn tại và duy trì tính cạnh tranh trong thời kỳ tiềm ẩn nhiều bất ổn, quản trị công ty (G-Governance) sẽ luôn được coi là hòn đá tảng nằm ở vị trí trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp, rộng hơn là cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Văn hóa quản trị công ty tốt: Inside out

Xét trong phạm vi một doanh nghiệp, văn hóa quản trị công ty tốt giúp tối ưu hóa quản trị công ty một cách hiệu quả, trên cả ba phương diện: pháp lý, quản lý, thương hiệu và danh tiếng. Trên phương diện quản lý, doanh nghiệp cần ứng phó, đối phó với thị trường để tạo ra hiệu quả kinh doanh. Phương diện này do tổng giám đốc và ban điều hành chịu trách nhiệm thực thi, nhưng lại là một phần không thể thiếu trong công tác quản trị hiệu quả của HĐQT.

Thứ hai là vấn đề pháp lý, một trong những vấn đề dễ bị bỏ qua trong công tác quản trị. Hiệu lực pháp lý không phải xuất phát từ việc tuân thủ luật pháp ở cấp cao, mà tuân thủ chính quy định, quy chế và chính sách mà công ty đặt ra, cho đến những quy định trong ngành nghề và pháp luật.

Tuy nhiên, đồng hành với quản lý và pháp lý, việc có một nền văn hóa quản trị công ty vững mạnh còn giúp công ty dựng xây danh tiếng và thương hiệu – hay còn thường biết đến là chữ “tín” trong kinh doanh. Uy tín, niềm tin của thị trường, của các đối tác, của cộng đồng xã hội là một giá trị lớn nhất tạo ra hiệu ứng về danh tiếng thương hiệu gắn với quản trị công ty và văn hóa quản trị công ty.

Mỗi doanh nghiệp có văn hóa quản trị tốt có thể coi một hạt giống tốt trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Song song với sự thay đổi tư duy trong quản trị công ty, từ lãnh đạo bằng sức mạnh (power) sang lãnh đạo bằng giá trị (values), thì sự phát triển bền vững cũng có sự dịch chuyển từ việc tập trung chủ yếu vào các yếu tố tài chính sang việc quan tâm đến các chỉ số phi tài chính , trên cả ba trụ cột E - S - G. Quản trị không gắn với xã hội thì chưa có thể nói tới chuyện bền.

Bà Thanh cho biết thêm: “Từng doanh nghiệp khi làm kinh tế phải nghĩ tới môi trường, từng doanh nghiệp khi nghĩ tới môi trường sẽ kiến tạo giá trị cho xã hội. Xã hội là một đối tác bắt buộc phải có (must - have) của quản trị, chứ không thể là yếu tố có thì tốt (nice - to - have).”

Chủ tịch VIOD cho biết, khi hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa quản trị công ty, các doanh nghiệp, đặc biệt là những nhân tố quan trọng như HĐQT, Tổng giám đốc và các quản lý cấp cao có liên hệ mật thiết nhất với văn hóa của doanh nghiệp, sẽ cần tiên phong để dẫn dắt và định hình bản sắc riêng của văn hóa quản trị công ty.

Tin bài liên quan