Văn hóa doanh nghiệp: Cuộc phô diễn sức mạnh của "quyền lực mềm"

Văn hóa doanh nghiệp: Cuộc phô diễn sức mạnh của "quyền lực mềm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong đại dịch Covid-19, văn hóa doanh nghiệp càng chứng tỏ sức mạnh của một công cụ tuyệt vời trong quản trị doanh nghiệp.

1. 11h trưa một ngày tháng 8/2021, chị bạn đồng nghiệp cầm điện thoại liên hệ với một doanh nhân thì nhận được câu trả lời vui vẻ: “May mà hôm nay anh dậy sớm, đang ngồi uống trà”. Lý do là ông đang ở cách Việt Nam 6 múi giờ và bên đó đang là 5h sáng. Doanh nhân này sang thăm con trai định cư ở nước ngoài từ đầu năm và khi muốn về nước thì làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát trong nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo vắng mặt nhiều tháng liền, nhưng doanh nghiệp vẫn báo cáo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tất nhiên, doanh nghiệp này lợi thế hoạt động trong lĩnh vực được hưởng lợi từ đại dịch và việc cung cấp dịch vụ qua hệ thống trực tuyến. Nhưng với những ai am hiểu về doanh nghiệp đều biết rằng, sở dĩ hệ thống vẫn chạy bon bon mà không cần sự xuất hiện thường xuyên của người lãnh đạo cao nhất là vì văn hóa làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, đề cao lợi ích của khách hàng... đã ngấm vào từng nhân sự của công ty.

Những yêu cầu khắt khe về chất lượng nhân sự, từ tuyển dụng, đào tạo, sàng lọc nhân viên, cho tới những đòi hỏi đôi khi bị coi là có chút “cực đoan” về tính độc lập, khách quan với các bản báo cáo cung cấp cho khách hàng của vị lãnh đạo doanh nghiệp đặt ra, đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng của doanh nghiệp này trên thị trường.

Văn hóa doanh nghiệp, chủ đề được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đề cập đến trong những năm gần đây, nhưng có lẽ chỉ trong giai đoạn nền kinh tế chịu cú sốc khủng khiếp mang tên Covid-19 thì các doanh nghiệp, doanh nhân mới thực sự kiểm chứng được sức mạnh, tầm quan trọng của nó.

Đại dịch chưa từng có tiền lệ, với tốc độ lây lan nhanh chóng và sức tàn phá khủng khiếp với sức khỏe con người, việc giãn cách xã hội, phong tỏa được triển khai ở nhiều quốc gia nhằm ngăn chặn đà lây lan của nó, trong khi y học thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị. Mọi hoạt động đều bị đảo lộn trong đại dịch, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, biến động khó lường đến như vậy: Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản xuất gặp khó khăn vì thiếu nhân công, khan hiếm hàng hóa và giá cả tăng cao… Theo đó, thói quen và nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thay đổi, cách thức giao tiếp giữa người với người cũng thay đổi trong dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, nhiều cách thức hoạt động, kinh doanh truyền thống không còn phù hợp với thời đại dịch. Linh hoạt tìm giải pháp thích ứng được coi là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trước những khó khăn chưa từng có của môi trường kinh doanh. Khi ấy, những công cụ quản trị doanh nghiệp như quy trình làm việc, những quy tắc cứng nhắc không làm được việc thúc đẩy sự linh hoạt, sáng tạo trong doanh nghiệp.

2. Kể từ đầu mùa dịch, GS. Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp đã tích cực chia sẻ trên mạng xã hội facebook về sức mạnh của văn hóa doanh nghiệp. Ông là một người Việt đã thành danh trên môi trường kinh doanh toàn cầu, ông từng có 30 năm lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới như Alstom, Suez… trong thập niên 70 - 90 của thế kỷ trước. Sau khi nghỉ hưu, ông về nước tham gia giảng dạy tại một số trường đại học, viết sách và tư vấn, chia sẻ về những kinh nghiệm đúc kết từ “một đời quản trị”.

Theo Giáo sư Trường, “Văn hóa doanh nghiệp không phải là thứ lễ nghĩa tử tế chung chung, hoặc sự tuân thủ lãnh đạo, hay quy trình như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Văn hóa doanh nghiệp có thể được định nghĩa như sự thấu hiểu và thấu triệt những thói quen tốt, những biện luận có khả năng giúp cho xã hội nhỏ trong doanh nghiệp chung sống với nhau một cách tích cực và êm đềm, đồng thời vẫn làm cho doanh nghiệp trở thành một cỗ máy mũi nhọn có khả năng 'ngoạm' cả thế giới”.

Ảnh tác giả

Văn hoá doanh nghiệp không phải là thứ lễ nghĩa tử tế chung chung, hoặc sự tuân thủ lãnh đạo, hay quy trình như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Văn hoá doanh nghiệp có thể được định nghĩa như sự thấu hiểu và thấu triệt những thói quen tốt…

GS. Phan Văn Trường

“Văn hóa chính là cái gốc của quyền lực”, ông nhận xét và chia sẻ, những văn hóa doanh nghiệp mà ông sáng tạo ra và áp dụng đã đưa tập đoàn 25.000 nhân sự có nhà máy chính ở Anh và Pháp với mấy mươi văn phòng trên khắp toàn cầu thành một thể thống nhất, linh hoạt và đầy không khí sáng tạo. Từ một tập đoàn công nghiệp xếp hạng thứ 5, thứ 6 toàn cầu nhưng đang trong cơn khó khăn vì khan hiếm dự án, khủng hoảng lãnh đạo nặng nề khi ông nhậm chức, Alstom đã vươn lên vị trí số 1 toàn cầu một cách nhanh chóng và ngoạn mục.

Có 3 “từ khóa” ngắn gọn được GS. Trường dùng để nói về những văn hóa mà ông đã chế ra và áp dụng thành công: “Ôn hòa và chuyên nghiệp” (văn hóa tự thân mỗi nhân viên), “Văn hóa báo cáo” (văn hóa làm việc) và “Ở đây ai là sếp?” (văn hóa lãnh đạo). Thái độ ôn tồn, cách hành xử chuyên nghiệp, không để chỗ cho cảm tính; văn hóa báo cáo một cách chuyên nghiệp, minh bạch trong nội bộ và tinh thần bình đẳng, coi “lợi ích tối đa cả doanh nghiệp là sếp” giúp phá bỏ những rào cản phát triển trong doanh nghiệp, giúp cho tập thể nhân viên hấp thụ một tinh thần lạc quan và tự tin cũng như cách hành xử hồn nhiên và thẳng thắn hơn trong mọi công việc hàng ngày, từ đó thúc đẩy sức sáng tạo của nhân viên.

Giáo sư cho biết, các doanh nghiệp tân tiến nhất bên Hoa Kỳ từ nhiều năm nay đã áp dụng những văn hoá như ông vừa kể. Ông cũng nhận xét, số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ta không có được cuộc sống ổn định là do thiếu hụt mảng văn hoá doanh nghiệp mà họ vô cùng cần thiết. Hễ không tạo được văn hoá thì sớm hay muộn, doanh nghiệp to hay nhỏ sẽ không thể tránh được nhiều vấn đề nan giải và mất ổn định.

3. Trong khi ngồi viết những dòng này, người viết vừa nhận được thông tin từ một người bạn, chị đang tham gia ban điều hành một tập đoàn đa ngành. Chị đang chuẩn bị đưa gia đình sang định cư ở một quốc gia bên kia bán cầu. Mỗi năm, chị sẽ có vài tháng làm việc từ xa.

Tập đoàn nơi chị làm việc chỉ có tuổi đời trên 10 năm, nhưng gần đây đã cho thấy những bước tăng trưởng thần tốc nhờ tham gia “mát tay” trong hoạt động M&A và tái cấu trúc doanh nghiệp, cũng như đầu tư vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo - xu hướng của tương lai. Dàn lãnh đạo tập đoàn đều là những nhân sự từng tu nghiệp ở nước ngoài, giỏi giang, năng động và áp dụng cách thức quản trị doanh nghiệp hiện đại, trẻ trung, khiến không khí làm việc thoải mái và hiệu quả.

Chị tiết lộ, hầu hết lãnh đạo cấp cao của tập đoàn đều chọn chế độ “đi đi, về về” qua nửa vòng trái đất để quản trị và điều hành doanh nghiệp trong những năm qua.

Tin bài liên quan