Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Văn hóa chung cư đang “tiến hóa”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sống ở chung cư có không ít tình huống dở khóc, dở cười mà chỉ những người trong cuộc mới thấu.

Không ít dịp cuối tuần, anh Tuấn muốn tranh thủ nghỉ ngơi, “nuông chiều bản thân” dậy muộn một chút để bù cho cả tuần cày dự án, nhưng y như rằng, cứ khoảng 7h sáng là tiếng nhạc xập xình lại vang lên từ bên nhà hàng xóm.

Hay có những bữa đang “work from home” thì ngoài hành lang đám trẻ hàng xóm mang bóng ra đá, mang cầu lông ra chơi. Nhắc thì chỉ vài phút đâu lại vào đấy, cũng nhận lại nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm của phụ huynh bọn trẻ, mà không nhắc thì không thể làm việc, nhất là những buổi phải họp trực tuyến.

Trên các hội nhóm ở nhiều chung cư, câu chuyện ứng xử cũng luôn là đề tài được bàn tán rôm rả nhất, điển hình là các việc vứt rác bừa bãi, đậu xe không đúng nơi quy định, tiếng ồn, rồi chuyện nuôi chó, mèo…

Thậm chí mới đây, tại một chung cư ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chị chủ căn hộ lên nhóm chung kêu than về việc mở cửa thấy mùi khói thuốc do hàng xóm hút ngoài ban công bay vào. Lập tức câu chuyện này làm dấy lên nhiều quan điểm khác nhau. Người thì cho rằng ở chung cư thì phải chấp nhận điều này và người hút thuốc ngoài ban công cũng chẳng vi phạm quy định nào. Người khác lại khuyên nên thẳng thắn góp ý để tránh ô nhiễm không khí. Có người lại bảo nếu muốn sướng, chịu khó kiếm tiền mua nhà đất mà ở.

Pha chút hài hước, có cư dân còn nói: “Đi làm thì bị sếp mắng, đồng nghiệp lườm nguýt, về nhà có mỗi cái thú vui là thi thoảng ra ban công hút điếu thuốc cũng bị hàng xóm lên án, phê bình, cuộc sống thật nhiều áp lực (!?)”.

Văn hóa chung cư, nói ra thì nghe có vẻ xa vời, nhưng nếu nhìn vào từng sự việc cụ thể lại thấy vẫn là câu chuyện thói quen ứng xử và nó đến từ nhiều điều nhỏ nhặt. Có nét là cư dân “mang vác”, bê nguyên xi từ nếp sống nhà mặt đất đặt lên, có thứ lại là sự phát sinh của cuộc sống xếp tầng lên cao.

Một chuyện nhỏ như đi thang máy, chẳng hiếm để gặp cảnh một anh hay chị cầm điện thoại nói oang oang. Có bận có người góp ý, có bận cả thang máy cả chục người chỉ lắc đầu, ngao ngán chịu trận bởi sự vô duyên của nhân vật nọ.

Hôm rồi, ngồi trò chuyện cùng trưởng ban quản lý một chung cư ở quận Hà Đông, chị cho hay, các thông báo đều được ban quản lý niêm yết ở sảnh, khu vực quầy lễ tân, nhưng phần lớn cư dân không đọc, ứng dụng quản lý thì người cài, người không..., việc giao tiếp giữa ban quản lý và cư dân tưởng giản đơn mà lại muôn vàn trắc trở.

Tôi hỏi, sao các chị không thông báo qua hệ thống truyền thanh nội bộ hay đưa thông báo đến từng hộ, chị lắc đầu nói, muốn thông báo trên loa phát thanh hay đưa tận tay thông báo cho cư dân thì phải xin phép ban quản trị, mà ban quản trị ở đây đang trong thời điểm “cuối vụ” và có tranh chấp, chia thành 3 phe, một phe cơ bản là phản đối mọi thứ mà chủ đầu tư đưa ra, có thái độ bất hợp tác, một phe bàng quan, không quan tâm, phe còn lại thì ủng hộ. Song, chỉ cần như vậy, việc ra được một thông báo đến tận tay, tận tai cư dân ở thời 4.0 tưởng không khó, mà lại khó không tưởng!

Đã khoảng 20 năm từ khi Hà Nội có tòa chung cư đầu tiên, nhưng đến nay, dường như văn hóa chung cư chưa được hình thành rõ nét. Nhiều ý kiến cho rằng, sau một giai đoạn văn hóa làng xã ồ ạt xâm chiếm chung cư dẫn đến hình ảnh nhếch nhác, kém văn minh, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, môi trường sống tại các chung cư đã được cải thiện nhiều, song văn hóa chung cư ở ta vẫn trong giai đoạn “tiến hóa”, chứ chưa “chín” hẳn và văn hóa chung cư không chỉ thể hiện ở việc mỗi cư dân ứng xử với hàng xóm, láng giềng, tuân thủ quy định chung của tòa nhà, mà còn cả ở việc tương tác, đấu tranh giữa cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý…

Hiện nay, có sự vênh nhau khá lớn về văn hóa ứng xử tại mỗi chung cư, thậm chí theo vùng miền và điều này càng phản ánh rõ nét rằng, chúng ta chưa thực sự có được một văn hóa chung cư hoàn chỉnh, đúng nghĩa.

Tin bài liên quan