Vận hạn của Quốc Cường Gia Lai

Vận hạn của Quốc Cường Gia Lai

Trên sàn giao dịch chứng khoán, Quốc Cường Gia Lai (QCG) hiện là một cái tên khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Một số thông tin bất lợi về QCG thực tế không phải chỉ là tin đồn. Vấn đề là nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào những thông tin dường như chủ quan của QGC.

Lỗi “tệp”?

 

Ở góc độ kinh doanh, cuối năm 2012, cổ phiếu của QCG đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo vì lỗ 39,83 tỷ đồng. Nợ và hàng tồn kho của tập đoàn này được xếp vào hàng top của các doanh nghiệp địa ốc. Trong bối cảnh đó, thông tin về việc Chủ tịch HĐQT QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan, tính trích 150.000 cổ phiếu của mình để làm quà tặng cách đây một thời gian, tuy chẳng đâu vào đâu nhưng cũng khiến nhà đầu tư lấn cấn. Lẽ ra, bên cạnh những thông tin hư hư, thực thực về vị Phó Tổng giám đốc QCG, con trai Chủ tịch HĐQT và là chồng của ngôi sao giải trí Hồ Ngọc Hà thì những vụ “nổ” lãng xẹt kiểu nêu trên nên được giảm thiểu. Không lạ khi nhiều nhà đầu tư cực đoan cho rằng, đây chính là một trong chuỗi “chiêu trò” (phù phép báo cáo tài chính rồi đổ cho “sai sót kế toán”; để khách hàng phải mỏi cổ chờ mong được giao nhà rồi đưa nhau ra tòa kiện tụng vì lý do chiếm dụng vốn, chậm giao căn hộ…) nhằm hâm nóng thương hiệu QCG, thay vì chú trọng duy trì quan hệ với nhà đầu tư một cách bền vững.Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của QCG dường như cũng đang có tín hiệu “lỗi tệp”. Mặc dù báo cáo tài chính quý II của doanh nghiệp đến thời điểm này chưa đến kỳ công bố, nhưng theo ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), được xác nhận là dựa trên thông tin từ QCG, thì bức tranh toàn cục nửa đầu năm 2013 của QCG sẽ không ảm đạm. Bà Nguyễn Thị Như Loan, nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT QCG cũng từng tự tin khẳng định với báo giới và các cổ đông rằng, năm 2013 QCG của bà cầm chắc thoát lỗ, thậm chí là “lãi không nhỏ”, nhờ vào một số dự án đã đi vào giai đoạn hoàn tất – bàn giao – thanh toán – ghi nhận doanh thu.

 

Theo ước tính của BVSC, nguồn thu từ các dự án của QCG bao gồm: khoản phải thu 221 tỷ đồng thể hiện trong báo cáo tài chính quý I/2013; khoản thanh toán của SAM – Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sacom (530 tỷ đồng) cho phần dự án Giai Việt và của BIDV (khoảng 200 tỷ đồng trong năm nay) cho phần dự án Cao ốc Sài Gòn Plaza – Lê Thánh Tôn. Theo phân tích của BVSC, trong 2 quý đầu năm nay, QCG chưa thể ghi nhận doanh thu nhận được từ khách hàng SAM do SAM chưa hoàn tất thanh toán. Do đó, nguồn thu dự kiến 530 tỷ đồng này có thể sẽ rơi vào 2 quý cuối năm.

 

Thế nhưng, trong khi đó báo cáo tài chính quý I/2013 của SAM lại đã thể hiện chi phí mua Giai Việt lên đến 432,45 tỷ đồng. Vì vậy, nhà đầu tư thực sự không hiểu vì sao QCG chưa hạch toán khoản thu này. QCG hay SAM mới là doanh nghiệp có “lỗi tệp”?

 

Xóa hết nợ

 

Trên một diễn đàn mạng, một nhà đầu tư đã kêu gọi các cổ đông trung thành của QCG hãy kiên trì để đón nhận thành quả! Tức, thành quả từ các kết quả tương lai mà bà Chủ tịch HĐQT QCG dự tính. Một nhà đầu tư khác thì phân tích cẩn thận hơn. Theo vị này thì với quyết tâm bàn giao và ghi nhận doanh thu các dự án, vận động cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để thực hiện chuyển đổi trái phiếu cho nhà đầu tư VOF PE Holding 5 Limited với tổng giá trị 136,5 tỷ đồng và phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư, thực hiện phương án sáp nhập Địa ốc Sài Gòn Xanh, nâng vốn điều lệ dự kiến lên ở mức 1.950 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT và ban điều hành QCG đã thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu và xóa sạch các khoản nợ.

 

Theo báo cáo tài chính Quý I/2013, vay và nợ dài hạn của QCG là 1.452 tỷ đồng. Với số nợ này, bình luận về quyết tâm xóa nợ của bà Loan và ban điều hành QCG, một nhà đầu tư viết: “Nói thì dễ nhưng thực hiện được hay không mới là điều quan trọng?” Mặc dù vậy, không thể không thừa nhận rằng, việc giảm nợ vay ngắn hạn từ 824 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 171,6 tỷ đồng và tăng nợ vay dài hạn trong năm 2012 của QCG đã cho thấy quyết tâm xóa nợ cùa doanh nghiệp này ít nhiều đã có cơ hội trở thành hiện thực.

 

Và lựa chọn quan hệ nhà đầu tư

 

Thực tế, ngay cả bây giờ QCG cũng không phải đang lún quá sâu trong khó khăn. Danh mục dự án đầu tư lớn, quỹ đất lớn, khó khăn về dòng tiền chỉ là trước mắt do QCG bị đọng vốn trong lượng hàng tồn kho đồ sộ lên đến 4.237 tỷ đồng, chiếm 63% tổng tài sản (theo bảng cân đối kế toán chốt ngày 31/3/2013). Với các dự án bất động sản dang dở chiếm trên 3.830 tỷ đồng (57% tổng tài sản), chỉ cần thị trường bất động sản tốt hơn, các ngân hàng tập trung giải ngân và quan trọng là QCG giải trừ được phần nợ xấu như nêu trên, thì dù QCG có không tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội vốn đang trực tiếp được hưởng lợi từ gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ hiện nay, QCG vẫn nắm chắc phần thắng.

 

Vấn đề của họ hiện nay là nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào các thông tin có vẻ như rất chắc thắng phát ra từ tập đoàn này. Cách thức xử lý thông tin phập phù, tiền hậu bất nhất đã làm vơi đi niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư vào QCG. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu mà còn khiến khách hàng cẩn trọng hơn với doanh nghiệp này. Đã đến lúc QCG cần xem lại hoạt động quan hệ nhà đầu tư của mình, mở rộng ra là quan hệ với khách hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu mà còn khiến khách hàng cẩn trọng hơn với doanh nghiệp này. Đã đến lúc QCG cần xem lại hoạt động quan hệ nhà đầu tư của mình, mở rộng ra là quan hệ với khách hàng.

 

Nhiều nhà đầu tư hy vọng, với sự tham gia của VOF – một quỹ đầu tư thuộc VinaCapital – rất có thể tới đây QCG sẽ có thay đổi quan trọng về hoạt động quan hệ nhà đầu tư, về minh bạch hóa thông tin, thậm chí là cách thức truyền thông và chiến lược xây dựng thương hiệu. Chỉ khi hoạt động quan hệ nhà đầu tư của QCG không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một vài người mà được tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản, xứng đáng với một doanh nghiệp đại chúng lớn thì họ mới tránh được những “vận hạn” như thời gian qua. Người Việt ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Liệu QCG sẽ thay đổi?