Theo công văn mới đây từ cơ quan quản lý thị trường tiền tệ - ngân hàng, thời gian giải ngân của các ngân hàng thương mại từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước để cho vay hỗ trợ nhà ở thực hiện tối đa đến hết năm 2016.
Đối tượng được hưởng chính sách này là cá nhân vay vốn ưu đãi lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng, có hợp đồng được ký trước ngày 31.3.2016, và chỉ nhằm mục đích mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo lại chính nhà ở của mình.
Cũng theo Ngân hàng nhà nước, thực ra đến hết năm 2016, chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đã giải ngân đến 95% số tiền cam kết. Số còn lại các ngân hàng thương mại chưa giải ngân hết là do người vay không còn nhu cầu giải ngân nữa hoặc do dự án nhà ở bị chậm tiến độ.
Phần giải ngân còn lại sau ngày 31.12.2016 sẽ được lấy từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại. Lãi suất của phần vốn này tùy theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Vẫn có chính sách cho vay nhà ở xã hội lãi suất thấp
Ngân hàng nhà nước khẳng định, sau gói 30.000 tỷ đồng, vẫn có cơ chế tài chính khác cho nhà ở xã hội. Theo đó, không chỉ ngân hàng chính sách xã hội mà 4 ngân hàng thương mại lớn cũng đã được chỉ định tham gia cho vay ưu đãi (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank).
Cụ thể, lãi suất cho vay với người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng hoặc sữa chữa nhà ở trong 2 năm 2016 - 2017 là 5%/năm, tức cũng bằng đúng với lãi suất mà đa số người vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng đang trả cho ngân hàng.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao bố trí nguồn vốn cấp cho ngân hàng chính sách để cho vay nhà ở xã hội. Cả năm ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trên đây đều sẽ được ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất.
Ngày 07/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất và thị trường, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, dành 70% hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn; và dành 30% hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tác động lớn nhất của chính sách này là đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị có nhà ở, và đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay.
Sau 03 năm thực hiện chính sách này, đến hết tháng 11/2016, tại TPHCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền vay là 7.032,3 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân vay 5.575, 4 tỷ đồng, và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456,8 tỷ đồng.