Thực tế, có một tin tốt trên thị trường nhà ở Mỹ, đó là không có khả năng thị trường sụp đổ như giai đoạn khủng hoảng 2006 - 2009. Vào khoảng thời gian đó, cả người mua, người bán và nhà xây dựng đều toát mồ hôi bởi tình trạng đầu cơ, khiến giá nhà lên mức cao ngất ngưởng, bất chấp việc nguồn cung nhà mới rất dồi dào. Hiện tại, tình trạng này không tái diễn, chỉ có vấn đề là thiếu hụt nguồn cung.
Thực tế, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung cấp nhà mới trên thị trường một phần bởi chịu hậu quả từ lần khủng hoảng gần nhất. Theo đó, những nhà phát triển bất động sản “quá khích” đã bị xóa sổ khỏi thị trường, trong khi những doanh nghiệp sống sót trở nên thận trọng hơn trong quá trình xây dựng các dự án, nhất là khi tình trạng đầu cơ luôn tồn tại.
Trong khi đó, với việc lãi suất đang được nâng lên, các nhà phát triển bất động sản nhỏ dựa vào nguồn vốn vay khó có thể mạnh tay đầu tư vào việc xây dựng các dự án mới. Thậm chí, ngay cả khi có dự định, các nhà băng cũng tỏ ra thận trọng và siết chặt dòng tiền chảy vào lĩnh vực này.
Như vậy, thay vì tình trạng nguồn cung dồi dào, nước Mỹ chịu cảnh thiếu hụt các ngôi nhà mới. Điều này đẩy giá bất động sản lên cao và khiến nhiều gia đình không còn nuôi giấc mộng sở hữu nhà.
“Chúng ta đang trong cảnh thiếu thốn nhà cửa”, Aaron Terrazas, nhà kinh tế cao cấp tại Zillow Group Inc cho nhiết.
Tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn bởi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, đồng nghĩa với việc khó có thể tuyển dụng nhân công cho lĩnh vực xây dựng. Đây không chỉ là vấn đề của các nhà phát triển bất động sản nhỏ, mà ngay cả doanh nghiệp lớn cũng lao đao bởi các đòi hỏi đối với người tuyển dụng ở mức cao. Đầu tháng 3/2019, Hiệp hội Các nhà xây dựng bất động sản quốc gia đã trình Quốc hội kiến nghị liên quan đến các vấn đề như an toàn lao động, bảo hiểm tai nạn… đối với nhân công ở mức quá cao, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng toàn bộ.
Việc thiếu hụt nguồn cung nhà mới đã đẩy giá nhà liên tục leo dốc. Việc sở hữu nhà nằm ngoài tầm với đối với cư dân tại một số thành phố. Chẳng hạn, tại Los Angeles và San Francisco, số lượng nhà mới bán ra trong tháng 12/2018 ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2007. Tại Manhattan, giá nhà trung bình đã vượt qua mức 1 triệu USD/căn. Doanh số bán nhà toàn quốc đã giảm 9,8% trong tháng 12/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2013.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ vẫn đang bận rộn với việc dọn dẹp đống nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng trước đó và khó có khả năng nới lỏng các quy định cho vay tại lĩnh vực này. Như vậy, chi phí để sở hữu một ngôi nhà càng đắt đỏ.
Dù các quy định nghiêm ngặt có tạo những trở ngại nhất định cho người mua nhà, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến việc sở hữu bất động sản trở nên khó khăn vẫn là thiếu nguồn cung nhà mới. Fannie Mae, hãng bất động sản thuộc sở hữu nhà nước đã tiến hành một cuộc khảo sát trên diện rộng những người cho thuê nhà trong thời gian gần đây, chỉ 1% cho rằng, tín dụng thắt chặt khiến doanh số bán/cho thuê bất động sản đi xuống. Trong khi 48% cho rằng, nguyên nhân thị trường giao dịch ảm đạm là bởi thiếu nguồn cung.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com