Đại bàng ngoại: Khó săn và thích ép giá
“Không dễ thực hiện!”. Đó là khẳng định của đại diện một chủ đầu tư khu công nghiệp khi nói về câu chuyện “làm tổ để đón đại bàng ngoại”. Theo vị này, để có thể thu hút được một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào khu công nghiệp là không đơn giản. Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách thuê phù hợp…, chủ đầu tư còn phải giải quyết được bài toán bị ép giá thuê.
Để minh chứng, ông cho biết, hiện nay, giá thuê đất công nghiệp trung bình khoảng 100 USD/m2/chu kỳ thuê, nhưng nhiều trường hợp khách thuê ép xuống còn 50 USD/m2/chu kỳ thuê, tức giảm tới 50% và với mức chi phí đầu vào cao như hiện nay, chủ đầu tư sẽ khó chấp nhận mức giá thấp này.
Bởi vậy, để có thể thu hút được khách thuê, chủ đầu tư rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của Nhà nước để bù đắp phần thiếu hụt này theo hướng Trung ương hỗ trợ 60% (tương đương 30 USD/m2/chu kỳ thuê), còn địa phương là 40% (tương đương 20 USD/m2/chu kỳ thuê).
“Mình có thể ‘chịu thiệt’ trước mắt, nhưng bù lại sẽ kéo theo được cả một hệ sinh thái các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đi kèm trong dài hạn”, vị đại diện trên nói và chia sẻ thêm, Tập đoàn Boeing hiện đang tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy tại Việt Nam, nhưng do chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể nên dự án chưa được triển khai.
Kỳ vọng bộ máy khóa mới
Đó là câu chuyện về thu hút đại bàng ngoại, còn với các đại bàng nội, thách thức cũng không hề nhỏ. Thu hút đầu tư đang là cuộc đua của các địa phương, nhưng trong cuộc đua ấy, khi mà các yếu tố nền tảng như chính sách, hạ tầng… đều có những nét tương đồng, thì đôi khi, điểm chính yếu dẫn đến quyết định đầu tư nằm ở yếu tố “lạt mềm buộc chặt”.
Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, cách ứng xử của chính quyền địa phương với doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc đầu tư, bởi doanh nghiệp có được sự chào đón chân thành từ chính quyển địa phương thì mới có thiện cảm và yên tâm đầu tư lâu dài.
“Có một thực tế là khi các địa phương thu hút đầu tư FDI, họ cam kết giải phóng mặt bằng, sẵn sàng chịu phạt nếu không hoàn thành kịp tiến độ, nhưng với doanh nghiệp trong nước, thậm chí có quy mô lớn hơn doanh nghiệp nước ngoài, thì không nhận được đãi ngộ tương ứng”, bà Dung nêu ví dụ.
Đánh giá cao tinh thần kiến tạo của Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương giai đoạn vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Hương đến từ Hải Phát Invest cho rằng, việc hoàn thiện thủ tục các dự án ở một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều tiến bộ đã thổi một luồng sinh khí mới cho thị trường.
Thậm chí, cả ở một số tỉnh vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lạng Sơn… cũng có sự thay đổi rõ nét nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.
Đã đến lúc nên đặt “đại bàng” nội ngang hàng với “đại bàng” ngoại. Ảnh: Dũng Minh. |
“Việc các chủ đầu tư uy tín, có tiềm lực tài chính đẩy mạnh triển khai các dự án lớn tại các địa phương sẽ kéo theo làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà đầu tư cá nhân, qua đó không chỉ góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản nói riêng, kinh tế địa phương nói chung phát triển, mà còn trên bình diện cả quốc gia”, bà Hương nhìn nhận và kỳ vọng, tinh thần kiến tạo này sẽ tiếp tục được phát huy khi bộ máy Chính phủ và các địa phương được kiện toàn tới đây.
Đại bàng nội cần được coi trọng hơn
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, BKAV đang cho thấy khát vọng trở thành một trong những “đại bàng Việt” ở lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch BKAV, cũng như khối doanh nghiệp bất động sản và một số lĩnh vực khác, các doanh nghiệp công nghệ cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp khoa học công nghệ phải dành nhiều nguồn lực để đầu tư, đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhưng lại khó tiếp cận vốn vay. Ngoài ra, tài sản trí tuệ rất khó định lượng, nhân lực công nghệ cao chưa nhiều… Đây là những mối lo hiện hữu mà các doanh nghiệp như BKAV hàng ngày đối mặt và chưa có được giải pháp căn cơ.
Trước thực tế trên, đại diện BKAV cho rằng, Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách phù hợp để các công ty khởi nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận dòng vốn, có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân sự công nghệ cao, thậm chí cần tạo điều kiện để các sinh viên tiếp cận với công việc trước khi tốt nghiệp…
Từ góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ, ông Thắng đánh giá, Việt Nam cần phải xây dựng chính sách phát triển hạ tầng cho các doanh nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện cho các “đại bàng” nội có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, hạ tầng công nghệ, vốn, nhân lực, thị trường… giữ vai trò đặc biệt quan trọng để các đại bàng làm tổ.
Ông Thắng cũng cho rằng, để một doanh nghiệp phát triển, ý tưởng kinh doanh và dịch vụ hậu mãi là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới đến thương hiệu, bán hàng, marketing, thiết kế, linh kiện, phân phối, gia công...
Còn để xây dựng được những doanh nghiệp mũi nhọn, những cánh chim đầu đàn cho nền kinh tế, Chính phủ cần lựa chọn ra được các doanh nghiệp nổi bật, vượt trội, có khả năng cạnh tranh cao, tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp bùng nổ.
Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, Chính phủ cần tạo bàn đạp để sản phẩm được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.
“Tại Hàn Quốc, quy mô các tập đoàn lớn chiếm khoảng 50-60% GDP. Nếu Việt Nam xây dựng được những doanh nghiệp tương tự thì mới có thể dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ”, ông Thắng nhấn mạnh.