Theo số liệu mới nhất được công bố bởi Investment Company Institute, tính tới cuối tháng 6, các quỹ quản lý tài sản đã chứng kiến dòng vốn bị rút ra gần 105 tỷ USD trong 4 tuần liên tiếp, quãng thời gian dài nhất trong hơn 3 năm qua.
Sự dịch chuyển này đồng điệu với những tín hiệu nền kinh tế hồi phục sau cú sốc đại dịch, tạo động lực đưa chỉ số S&P 500 lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và thị trường ETF chứng kiến dòng vốn chảy vào mạnh mẽ (một phần nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed công bố chương trình mua chứng chỉ quỹ ETF).
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dòng tiền rút ra khỏi các quỹ đầu tư/quỹ quản lý tài sản cá nhân chỉ một phần chảy vào thị trường chứng khoán/trái phiếu/ETF, góp thêm nhiệt cho xu hướng leo dốc sẵn có của các loại tài sản nhiều rủi ro này.
Thực tế cho thấy, với mối lo ngại dịch bệnh chưa được kiểm soát và có thể bùng phát lần thứ hai, nhà đầu tư đang tỏ ra ưa chuộng và muốn nắm chặt tiền mặt hơn so với các thời kỳ khủng hoảng từng xảy ra trước đây, theo nhận định của Deutsche Bank AG.
Cùng quan điểm, Ed Keon, nhà quản lý quỹ tại QMA chia sẻ: “Nhìn vào các số liệu thể hiện biến động dòng tiền và lượng tiền mặt tích lũy, dễ nhận thấy mọi người đang cảm thấy dễ chịu hơn khi ôm tiền mặt. Thông thường, vào cuối chu kỳ khủng hoảng, một phần dòng tiền sẽ chảy vào các loại tài sản đầu tư, nhưng phải đợi tới khi tâm lý lạc quan trở lại”.
Trong khi đó, Peter Yi, Giám đốc Khối nghiên cứu tín dụng và tài sản mang lại thu nhập cố định tại Northern Trust Asset Management cho rằng: “Sự dịch chuyển dòng vốn chỉ thể hiện tính chất bất ổn của thị trường và tâm lý lo ngại của giới đầu tư. Tất nhiên, một khi có thêm các thông tin rõ ràng hơn về tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế, nguồn lực tiền mặt rất lớn này có thể tạo lực đẩy mạnh mẽ cho các thị trường đầu tư với mức độ rủi ro cao hơn”.
Lượng tài sản nằm dưới sự quản lý của các quỹ đầu tư Mỹ vẫn đang ở gần mức kỷ lục.
Mặc dù nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các quỹ, nhưng khối tài sản nằm dưới sự quản lý của các quỹ đầu tư/quỹ quản lý tài sản vẫn ở gần mức kỷ lục 4.680 tỷ USD đạt được vào tháng 5/2020.
Trước đó, trong tháng 3, con số này đã tăng mạnh từ mức 3.700 tỷ USD lên đỉnh trước mối lo ngại về đại dịch Covid-19.
Vào thời điểm này, hơn 3/4 lượng tài sản được quản lý đặt vào nhóm trái phiếu chính phủ và các quỹ nhà nước khác, vốn được xem là bến đỗ an toàn so với các loại tài sản khác trong danh mục đầu tư.
Theo JPMorgan Chase & Co, đường đi của dòng tiền mặt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ dựa vào mức độ tự tin của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để kỳ vọng, cuối cùng hành vi của nhà đầu tư sẽ theo thông lệ trước đây, tìm tới các tài sản rủi ro cao hơn nhưng mang lại lợi nhuận tốt hơn, điều vẫn thường xảy ra trong các chu kỳ khủng hoảng trước.
Các chiến lược gia tại Deutsche Bank cho rằng, một khi nhà đầu tư thoát khỏi vị thế nắm giữ tiền mặt cũng là thời điểm các thị trường chạm tới đáy.
“Trong bối cảnh hiện tại, lượng tiền mặt vẫn sẽ chất đống, ngay cả khi thị trường chứng khoán đang leo dốc. Dần dần, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán, khi có niềm tin nền kinh tế phục hồi”, Binky Chadha, chiến lược gia tại Deutsche Bank nói và cho rằng, một số thành viên thị trường nhìn nhận đà tăng đã chấm dứt, thị trường sắp đảo chiều.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn đang găm giữ tiền mặt, chưa triển khai hoạt động đầu tư. Một khi núi tiền này được khơi thông, còn nhiều dư địa để các loại tài sản rủi ro có thể leo dốc.
Theo số liệu đo lường tài sản tiền mặt từ các quỹ đầu tư/quỹ quản lý tài sản từ ICI và Bloomberg, con số tiền mặt hiện tương đương 14% giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ.