Vẫn còn 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân vốn kế hoạch năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Ước đến hết quý I/2023, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có tới 30 bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân được đồng nào.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã xuống các địa phương, vào các dự án để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã xuống các địa phương, vào các dự án để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến ngày 31/3/2023, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã giao kế hoạch chi tiết trên 617.244 tỷ đồng cho các chương trình, dự án, đạt 87,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là trên 320.717 tỷ đồng, đạt 88,2%; vốn ngân sách địa phương là trên 296.526 tỷ đồng, đạt 86,4%.

Như vậy, cho đến nay, vẫn còn trên 89.799 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 12,7% kế hoạch. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì nguyên nhân dẫn đến việc này là do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.

Trong khi đó, liên quan đến tình hình giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/3/2023 đạt trên 73.192 tỷ đồng, đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong đó, vốn trong nước là 72.231 tỷ đồng, đạt 10,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 960,843 tỷ đồng, đạt 3,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, tỷ lệ giải ngân của quý I năm nay thấp hơn con số 11,88% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét về con số tuyệt đối thì vẫn cao hơn khoảng 11.700 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I, có 2 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương giải ngân trên 15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải là 15,37%, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là 17,48%, Tiền Giang 33,36%, Bến Tre 30,73%, Điện Biên 24,67%, Thành phố Hải Phòng 24,61%...

Nhưng ngược lại, có 48 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư công quý I/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ này phản ánh đúng xu hướng, đặc thù của vốn đầu tư, đó là đầu năm thi công tích lũy khối lượng, cuối năm triển khai thanh toán.

Hơn nữa, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, trong các tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.

Trong khi đó, đối với vốn nước ngoài, một số dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.

Để thúc đẩy giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh việc phân bổ chi tiết vốn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tách công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giải ngân đầu tư công…

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ ngành, địa phương chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án…

Trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh việc thực thi các chương trình, dự án thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số vốn 176.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình, đã có trên 161.848 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch.

Số vốn 14.151,685 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ phương án phân bổ 13.369,468 tỷ đồng. Đối với 782,217 tỷ đồng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội không phân bổ tiếp.

Tin bài liên quan