"Vẫn có những cơ hội cho các nhà đầu tư nếu kỳ vọng vào giá dầu trong nửa cuối năm"

"Vẫn có những cơ hội cho các nhà đầu tư nếu kỳ vọng vào giá dầu trong nửa cuối năm"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Giá dầu vẫn sẽ ở mức cao trong thời gian tới, nghĩa là vẫn có những cơ hội cho các nhà đầu tư nếu kỳ vọng vào giá dầu trong nửa cuối năm nay", bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI nhận định.

Chiều 30/6, Báo Đầu tư Chứng khoán đã tổ chức buổi Talkshow Chọn Danh mục kỳ 10 với chủ đề: Cơ hội phục hồi và ẩn số vàng đen, với sự tham gia của ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - UPCoM) và bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI.

Nói về vấn đề triển vọng lợi nhuận trong quý III của doanh nghiệp dầu khí, bà Phương cho biết, kỳ vọng của nhà đầu tư vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thường được phản ánh luôn vào giá cổ phiếu của ngành dầu khí cũng như ngành hàng hóa ngay khi giá hàng hóa tăng. Còn diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí trong quý III thì phải chờ xem diễn biến giá dầu như thế nào.

Tuy nhiên, bà Phương khẳng định, triển vọng giá dầu không thể nào giảm mạnh được vì hiện tại tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn sẽ cần một thời gian dài để bổ sung và vấn đề này không thể giải quyết ngay lập tức được. Do đó, vẫn sẽ có những cơ hội cho các nhà đầu tư nếu kỳ vọng vào giá dầu trong nửa cuối năm nay.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI.

Theo dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới, chẳng hạn như Goldman Sachs dự đoán giá dầu trong năm nay là 120 USD/thùng, năm sau còn cao hơn, lên đến 125 USD/thùng. Thậm chí, JP Morgan còn dự báo giá dầu sẽ lên đến mức 150 USD/thùng. Do đó, bà Phương nhận định, vẫn có cơ hội và xu hướng của giá dầu ở mức cao trong khoảng thời gian sắp tới.

Đối với câu hỏi liệu giá xăng dầu có thể bình ổn hơn để giải tỏa bớt áp lực cho chỉ số CPI, ông Bùi Ngọc Dương cho biết, BSR là doanh nghiệp sản xuất, thực hiện phân phối sản phẩm theo quy định của Nhà nước. Giá thành và giá bán sản phẩm chủ yếu theo công thức tính giá theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ông Dương khẳng định, BSR luôn cố gắng tiết giảm chi phí và tăng công suất để cung ứng sản phẩm nhằm bình ổn thị trường, còn về điều hành vĩ mô thì phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nhà nước để đảm bảo tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Tại BSR, nhà máy luôn cố gắng đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất với công suất cao nhất trong điều kiện vận hành an toàn để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Vì các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất chỉ đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu của thị trường nên khi thị trường gặp khủng hoảng về năng lượng thì việc nhập khẩu xăng dầu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh mua kể cả dầu thô lẫn sản phẩm đã qua chế biến.

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR)

Ông Dương chia sẻ thêm, thời gian qua BSR một mặt tăng công suất để tối đa hoá lợi nhuận do thuận lợi về thị trường, một mặt đảm bảo thêm nguồn cung trong nước để bù đắp khó khăn trong thị trường nhập khẩu.

Trả lời thắc mắc của độc giả về việc BSR có gì khác Nghi Sơn mà BSR có lãi, trong khi Nghi Sơn lại lỗ lớn, ông Dương cho biết, hai nhà máy này tính chất khác nhau.

Thông thường, các nhà máy công nghiệp lớn như Nghi Sơn các năm đầu tiên phải chịu chi phí tài chính, khấu hao, lãi vay rất lớn. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu 2 năm đầu thường chưa được ổn định, máy móc cần thường xuyên căn chỉnh để vận hành tốt. Nhà máy lọc dầu Dung Quất 2 năm đầu cũng gặp phải các tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, tình hình quản trị giữa nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất là điểm khác biệt cần nhấn mạnh. Thứ nhất, nhà máy lọc dầu Dung Quất có lợi thế đã vận hành 12 - 13 năm nên hiểu rất rõ về nhà máy và có thể đảm bảo vận hành liên tục để gia tăng lợi nhuận.

Thứ hai là Dung Quất có thể tối ưu hoá để tiết giảm chi phí, bởi nhà máy Dung Quất do người Việt Nam làm chủ 100% nên cũng có nhiều cơ hội để tự chủ trong kiểm soát, tối ưu hoá nhà máy.

Thứ ba, nhà máy lọc Dung Quất có thuận lợi về thời gian, quãng đường kể từ khâu vận chuyển từ mỏ dầu về đến nhà máy gần.

"Có những thời điểm trong vòng 1 tuần giá dầu đã chênh 10-20% nên càng rút ngắn thời gian từ vận chuyển đến khâu chế biến và khâu bán sản phẩm thì càng giúp chúng tôi kiểm soát được tình hình. Đây là lợi thế rất lớn nhất trong thời kỳ khủng hoảng", ông Dương nhấn mạnh.

Lý do cuối cùng có thể là do việc BSR lập kế hoạch vận hành linh hoạt theo thị trường và thực tiễn sản phẩm. Thời điểm sản phẩm xăng có lợi hơn thì sẽ tối đa hoá các sản phẩm xăng, còn lúc sản phẩm dầu diasel có lợi hơn thì BSR lại chuyển sang.

"Linh hoạt trong vận hành và nhanh nhạy với thị trường, cộng thêm việc bộ giá sản phẩm năm nay rất tốt và giá dầu không bị biến động quá mạnh là những yếu tố giúp gia tăng lợi nhuận", ông Dương cho biết.

"Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm sâu thì chúng tôi bị tác động rất bất lợi cả về dầu thô và sản phẩm, đặc biệt là giảm giá hàng tồn kho. Đây là những rủi ro rất lớn của nhà máy lọc dầu", ông Dương nói thêm.

Tin bài liên quan