Cụ thể, theo dự báo đưa ra trong thời gian tới, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và còn nhiều rủi ro, thách thức. Các nền kinh tế phát triển phục hồi thiếu vững chắc, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế mới nổi khác suy giảm làm giảm nhu cầu nhập khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá hàng hóa, mặc dù có cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị, chiến tranh cục bộ, khủng bố ở một số khu vực,... cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và được dự báo không có nhiều khả quan sẽ tác động nhất định đến nền kinh tế của Việt Nam.
Ở trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm ở mức thấp, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng đang có nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá vào nửa cuối năm. Việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, như: giá dịch vụ y tế, học phí dự kiến sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm. Hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, làm giảm sản lượng, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.
Mặc dù khó khăn, song Chính phủ không chủ trương trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm thì 6 tháng cuối năm tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%, cao hơn trên 2 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh còn rất ít dư địa trong việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong 6 tháng cuối năm vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể các yếu tố này thể hiện ở các yếu tố tích cực, trong đó có kế thừa một số từ xu hướng thuận lợi từ hai quý đầu năm.
Một là trong 6 tháng đầu năm tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao và dự kiến đạt kết quả khả quan trong 6 tháng cuối năm.
Hai là công nghiệp chế biến chế tạo được dự báo phục hồi và tiếp tục tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Một số dự án đầu tư lớn trong ngành công nghiệp hoàn thành và đi vào sản xuất trong Quý II/2016 sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Về sản xuất nông nghiệp, vẫn còn dư địa trong việc tái cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có chất lượng, giá trị cao hơn. Ngành thủy sản 6 tháng chỉ tăng 1,33%, rất thấp so với các năm trước (khoảng 5-6%) nên có tiềm năng vàcòn dư địa phát triển. Nếu tập trung khắc phục các khó khăn, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có thể tăng khoảng 1,8% - 2% trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực như: xây dựng, dịch vụ, du lịch còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, riêng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đã đạt 8,8%, là mức cao nhất trong 6 năm qua.
Ba là việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bốn là tăng trưởng một số địa phương trọng điểm đạt khá, như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,… là trung tâm và trọng điểm kinh tế của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt tốc độ cao hơn cùng kỳ, dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm,... sẽ đóng góp tỷ trọng quan trọng vào tăng trưởng của cả nước.
Đặc biệt, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt khi 50 Nghị định mới thay thế cho các Thông tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
“Như vậy, nếu khai thác tốt những yếu tố thuận lợi nêu trên sẽ tạo động lực lớn đẩy mạnh hơn tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội đề ra. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi phải triển khai chỉ đạo đồng bộ, sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như toàn ngành kế hoạch và đầu tư trong việc xây dựng và đề xuất thể chế chính sách... nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong nghiên cứu chiến lược và lập kế hoạch, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc nhở, cần đổi mới tư duy, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu về phát triển kinh tế.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, cần có kịch bản phù hợp với tăng trưởng và lạm phát, đồng thời tập trung phục hồi lĩnh vực nông nghiệp để nâng tốc độ tăng trưởng ngành này trong thời gian tới. ‘Hiện nay tại thị trường trong nước, tổng cầu đang thấp và có xu hướng thấp hơn năm ngoài, cần lưu ý xu hướng này để có các giải pháp điều hành phù hợp. Cần có giải pháp phát triển kinh tế biên mậu, không để xảy ra tình trạng tồn đọng hàng hóa, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa song song đẩy mạnh xuất khẩu.
Các giải pháp trọng điểm thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế:
- Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên. Tập trung mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ; hỗ trợ khôi phục sản xuất; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất,... giảm chi phí đầu vào, tăng thêm giá trị mới và nâng cao khả năng cạnh tranh nông sản xuất khẩu.
- Tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ. Tập trung đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư lớn trong ngành công nghiệp. Theo dõi sát diễn biến giá dầu thô thế giới để điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô hiệu quả. Trong điều kiện giá dầu thô thế giới thấp, cần có biện pháp thúc đẩy sản xuất các sản phẩm sử dụng nhiều nhiên liệu này để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
-Tập trung tháo gỡ khó khăn, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Tăng cường thực hiện các giải pháp xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn, an ninh cho khách du lịch. Phát triển dịch vụ vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả. Khuyến khích phát triển vận tải đa phương thức và logistics.
- Thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước.Chủ động và triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Củng cố, phát triển thị trường xuất khẩu truyền thống, tận dụng các cơ hội phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩutiềm năng và khai thác thị trường xuất khẩu mới.
- Đẩy mạnh thị trường thương mại trong nước, nhất là thị trường biên mậu. Chú trọng phát triển hệ thống thương mại bán lẻ. Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, theo hướng gắn kết giữa khu vực sản xuất với lưu thông và tiêu thụ. Đấu tranh quyết liệt, có giải pháp đột phá với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.