SSI vừa chi trả 2.080 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho các trái chủ - Ảnh: Hoài Nam

SSI vừa chi trả 2.080 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu cho các trái chủ - Ảnh: Hoài Nam

Vẫn có cửa gọi vốn từ phát hành trái phiếu chuyển đổi

(ĐTCK-online) Trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) có nhiều thuộc tính hấp dẫn nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng với NĐT nếu thị trường diễn biến không như mong muốn. DN phải làm gì để có thể huy động vốn qua kênh này khi thị trường đang ở giai đoạn khó khăn?

>> SSI hoàn tất thanh toán tiền cho trái chủ

>> Hoàn trả 2.080 tỷ đồng, SSI lời lớn vụ trái phiếu chuyển đổi?

Hai trường hợp phát hành trái phiếu

Ngày 28/3, SSI phát hành công văn cho biết đã hoàn tất việc chi trả toàn bộ tiền gốc và lãi trái phiếu tổng cộng 2.080 tỷ đồng (bao gồm 2.000 tỷ đồng tiền gốc và 80 tỷ đồng tiền lãi) cho các trái chủ. Số trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng được SSI phát hành vào ngày 26/3/2010 với mức lãi suất 4%/năm. Trái chủ có thể thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hoặc không chuyển đổi và nhận lại tiền gốc. Giá chuyển đổi trái phiếu được áp dụng tại ngày 26/3/2011 là 35.639 đồng/CP. Đến thời điểm trên, do giá giao dịch trên thị trường thấp hơn với giá cổ phiếu chuyển đổi từ trái phiếu rất nhiều, nên không có trái chủ nào đăng ký thực hiện chuyển đổi.

Việc SSI không ấn định đây là loại trái phiếu buộc phải chuyển đổi, trở thành điều may mắn với các trái chủ của SSI. Vì đến ngày đáo hạn, giá cổ phiếu SSI trên thị trường chỉ quanh mức 24.000 đồng/CP.

Đầu năm 2010, SHB đã phát hành thành công 15 triệu TPCĐ kỳ hạn 12 tháng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trong đó, 10 triệu trái phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 20:1 (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu sẽ được mua 1 trái phiếu) với giá 100.000 đồng/trái phiếu; 5 triệu trái phiếu còn lại phát hành ra công chúng cho các tổ chức và cá nhân tiềm năng khác với giá 125.000 đồng/trái phiếu.  Lãi suất của trái phiếu là 10,48%/năm và được trả khi trái phiếu đến hạn thanh toán. Sau 12 tháng, trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu theo tỷ lệ 1:10 (nghĩa là 1 trái phiếu quy đổi thành 10 cổ phiếu).

Sau khi phát hành, SHB đã thực hiện niêm yết số trái phiếu trên tại HNX. Vừa qua, Ngân hàng này đã có quyết định chuyển đổi toàn bộ số trái phiếu trên thành cổ phiếu. Tại thời điểm chuyển đổi, giá cổ phiếu SHB đang giao dịch dưới mệnh giá nên các trái chủ mua 125.000 đồng/trái phiếu (tương ứng 12.500 đồng/cổ phiếu) cũng chịu lỗ không nhỏ. Số lãi 10,48% không đủ bù đắp mức chênh lệch giá này. Trường hợp của SHB thì trái chủ được nhận trái tức cao hơn so với SSI, nhưng họ buộc phải thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu tại ngày đáo hạn.

 

TPCĐ: Cần thêm lựa chọn cho người mua

"Trái phiếu của SSI được cấu trúc khá hợp lý. Trong năm 2010, nếu gửi ngân hàng, NĐT sẽ nhận được lãi suất bình quân 14% nhưng thực tế họ chỉ nhận được 4% (mất 10%) khi mua TPCĐ của SSI. Tuy nhiên, nếu chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu thì họ lại lỗ hơn 10.000 đồng/CP (cao hơn rất nhiều mức lãi suất họ bị thiệt). Do đó, dù nhận lãi suất thấp hơn thị trường nhưng NĐT vẫn hài lòng vì khoản đầu tư không bị lỗ" - ông Trịnh Hoài Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam phân tích.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng làm như SSI vì DN thường chọn giải pháp an toàn, không muốn xuất tiền trả lại trái chủ. Vào thời điểm thị trường nóng, DN có thể dễ dàng phát hành theo phương án đến thời điểm chuyển đổi trái phiếu phải chuyển đổi thành cổ phiếu. Nhưng đến nay, tình hình đã khác, nhiều DN phải thay đổi kế hoạch phát hành.

Ngày 29/3, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (HDC) đã tổ chức ĐCĐ năm 2011. Theo đó, phương án phát hành 240 tỷ đồng TPCĐ cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:1 đã không được trình để lấy ý kiến cổ đông, mặc dù Công ty có kế hoạch từ khá lâu.

Trong 2 đợt phát hành ngày 17/11/2010 và 13/1/2011, TDH đăng ký chào bán 6 triệu TPCĐ tương đương với giá trị huy động dự kiến là 600 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 chào bán 3.787.500 trái phiếu với giá cổ phiếu chuyển đổi là 22.014 đồng/cổ phiếu, đợt 2 chào bán 2.212.500 trái phiếu với giá cổ phiếu chuyển đổi là 36.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kết thúc đợt 1, Công ty chỉ bán được 2.088.731 trái phiếu, tương đương 55,15% lượng dự kiến chào bán của đợt 1; đợt 2 chào bán không thành công. Tổng cộng 2 đợt phát hành, Công ty chỉ phân phối được 34,81% tổng lượng chào bán. Lý do không chào bán thành công là do TTCK diễn biến không thuận lợi trong năm 2010. Trái phiếu của doanh nghiệp này là TPCĐ nên kết quả của đợt phát hành phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cổ phiếu TDH trên thị trường.

Mùa đại hội năm 2011, nhiều DN đã lên kế hoạch phát hành TPCĐ trong năm nay, trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, đồng thời phát hành cổ phiếu khó thành công. Theo ông Giang, đợt phát hành chỉ có thể thành công khi tổ chức phát hành đưa ra mức giá chuyển đổi được chiết khấu thấp hơn giá hiện tại, mức lãi suất phù hợp và những điều khoản đi cùng hợp lý (được lựa chọn có thể chuyển đổi hay không tại thời điểm đáo hạn).