Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông điệp tiếp tục thắt chặt tiền tệ đã khiến chỉ số USD-Index tăng vọt và nhiều loại hàng hóa định giá bằng USD như dầu, vàng, kim loại... lao dốc vào giữa tuần qua. Dường như diễn biến này đang nằm ngoài các dự báo mới nhất của các chuyên gia kinh tế. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Thị trường tài chính đang dần trở nên quan ngại một kịch bản kinh tế suy thoái toàn cầu, hoặc ít nhất đối với Mỹ và khu vực châu Âu, trong thời gian gần sắp tới. Chi phí sinh hoạt tăng vọt, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm, tỷ giá cao hơn và thị trường nhà đất dần nguội lạnh tạo ra những lý do để lo lắng. Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây chỉ ra khả năng suy thoái cục bộ nhiều hơn là ở tầm vóc toàn cầu - trong đó một số bộ phận của nền kinh tế bị ảnh hưởng nhưng những bộ phận khác thì không.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối - Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam |
Tính đến nay, nền kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể trong bối cảnh phải đối mặt với xung đột địa chính trị, giá hàng hóa tăng và tỷ giá cao hơn. Ví dụ, vào tháng 5, người tiêu dùng ở Anh đã mua nhiều hơn 2,6% (về khối lượng) so với tháng 2/2020 và ở Mỹ, chỉ số tiêu dùng thực tế (PCE) trong tháng 5 cao hơn 4,4% so với trước đại dịch. Mặc dù tốc độ tăng trưởng rõ ràng đã chậm lại nhưng chi tiêu cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng. Ở Trung Quốc, mọi thứ có thể được cải thiện, sau khi các lệnh phong tỏa dần được gỡ bỏ. Dữ liệu kinh tế toàn cầu cho thấy rằng vẫn có những khả năng phục hồi ở một số khu vực địa lý. Chẳng hạn như ở Việt Nam, GDP quý II/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua.
Các xu hướng trên thị trường lao động, niềm tin kinh doanh và chi tiêu dịch vụ cũng cho thấy một số tín hiệu tích cực cho những tháng sắp tới. Chi phí vận chuyển toàn cầu giảm mạnh trong những tuần gần đây có thể là dấu hiệu tốt cởi bỏ áp lực lạm phát. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý liệu xu hướng này có thể kéo dài trong bao lâu khi lạm phát cao hơn tạo tâm lý tiêu dùng yếu ở một số nền kinh tế lớn.
Trong bối cảnh Fed kiên định với quá trình thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, thị trường tài chính toàn cầu và các nhà đầu tư đã cố gắng giảm bớt rủi ro và việc này rõ ràng đã mang lại lợi ích cho USD. Ngoài ra, việc bán tháo cổ phiếu cũng dẫn đến đồng USD mạnh lên và nhiều đồng tiền khác suy yếu.
Đó là về mặt thị trường, còn câu chuyện vĩ mô ở từng quốc gia, mối lo ngại lạm phát đang chuyển sang câu chuyện chống suy thoái, trong đó việc điều hành tỷ giá thành bài toán đầy thách thức, nhiều nước đã phải sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để chống việc nội tệ tăng giá quá mạnh, trong đó có Việt Nam. Theo ông thì các giải pháp này liệu sẽ đi tới đâu?
Một số quan điểm trên thị trường cho rằng, lộ trình Fed tăng lãi suất đã được phản ánh hết vào giá, khiến đây không còn là một mối lo nữa. Tuy nhiên, biến động thị trường thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều rủi ro liên quan đến môi trường tài chính của Mỹ khi chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến nền kinh tế Mỹ “hạ cánh cứng” và rơi vào suy thoái. Lợi suất thực của Mỹ cũng đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ thời kỳ “Taper Tantrum” vào năm 2013. Những yếu tố này đã gây áp lực lên tỷ giá của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Cho đến khi những biến động do Fed tạo ra biến mất, sẽ rất khó để tỷ giá ổn định trở lại. Không chỉ vậy, áp lực giảm đối với tăng trưởng toàn cầu, bất chấp kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện, cũng đại diện cho một rủi ro nổi bật khác đối với việc điều hành tỷ giá.
Do vậy, việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối trong nhiều trường hợp là cần thiết để nhằm hạn chế bớt những biến động mạnh trên thị trường tài chính, qua đó góp phần hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng VND qua kênh bán ngoại tệ và thị trường mở, chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy nhu cầu nắm giữ đồng USD trong hệ thống vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ông có nhận định gì?
Nguồn cung USD trên thị trường không dồi dào như những năm vừa qua. Trên thị trường chứng khoán, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút tiền khỏi thị trường khoảng 1,2 tỷ USD. Lũy kế nửa đầu năm 2022, khối ngoại chỉ mua ròng khoảng 100 triệu USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2022 giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022 ước tính xuất siêu 710 triệu USD, là mức tương đối khiêm tốn; trong khi đó, nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2022 là 8 tỷ USD. Hoạt động chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước, với khối lượng đợt 3 lên tới 200 triệu USD qua hình thức giao dịch giao ngay với các ngân hàng thương mại.
Ở phía ngược lại, nguồn cung VND trong ngắn hạn lại tương đối dồi dào, trong bối cảnh các ngân hàng cạn room tín dụng, lũy kế 6 tháng đầu năm ngân sách nhà nước thặng dư khiến nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước dồi dào cùng nguồn cung VND từ hoạt động chào mua ngoại tệ. Trong khi đó, hoạt động phát hành tín phiếu chỉ có kỳ hạn ngắn (1 tuần và 2 tuần) nên thanh khoản VND vẫn tương đối dồi dào. Đây là một phần lý do chênh lệch dương giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục gia tăng.
Với nội tại nền kinh tế Việt Nam, chúng ta đang có gói kích thích kinh tế, nhưng cũng đang phải chống chọi với các tác động từ bên ngoài như đã đề cập, bao gồm cả rủi ro mới là suy thoái tại các thị trường xuất khẩu. Hành động nào sẽ phù hợp ở thời điểm này, theo ông?
Tương tự như nhiều nước khác trong khu vực, trong bối cảnh mặt bằng giá năng lượng liên tục lập đỉnh mới, Việt Nam đã sử dụng biện pháp từ chính sách tài khóa để giảm bớt giá xăng dầu cao. Trong số đó, Việt Nam đã sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để trợ giá xăng dầu trong nước. Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn đối với xăng, dầu.
Đối với các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đã được Quốc hội thông qua, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân, đồng thời đảm bảo gói hỗ trợ phải đúng địa chỉ và mục đích. Bên cạnh đó, đối với đầu tư công, hiện nay tốc độ giải ngân đã có những cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn cần phải đẩy nhanh hơn nữa, nhằm tăng khả năng kích cầu cho nền kinh tế.
Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Thực hiện Chương trình hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại.
Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng, cùng với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của đa số các quốc gia khác trên thế giới, sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên quá trình điều hành lãi suất nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Dựa trên dự báo lạm phát của chúng tôi, áp lực giá có thể sẽ gay gắt hơn từ quý IV năm nay, thậm chí có thể vượt quá mức mục tiêu lạm phát 4%. Vì vậy, có thể quá trình chính sách tiền tệ bớt nới lỏng được dự báo sẽ đến sớm hơn.
Theo ông, nhìn về nửa cuối năm 2022, biến động tỷ giá USD/VND phụ thuộc vào những diễn biến rủi ro gì?
Hầu hết các đồng tiền châu Á sẽ tiếp tục gặp áp lực giảm giá so với USD trong những tháng tới khi các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn nữa, lo ngại về suy thoái tại các khu vực kinh tế phát triển (Mỹ và châu Âu) tăng lên và giá dầu vẫn ở mức cao.
Việt Nam nhiều khả năng cũng không phải là một ngoại lệ khi giá năng lượng toàn cầu tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng. Tác động rõ ràng nhất là hóa đơn năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tăng mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp xuống mức thặng dư ước tính chỉ còn 0,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này sẽ làm xói mòn lợi thế tài khoản vãng lai của Việt Nam, gây áp lực mất giá đối với VND.
Ngoài ra, sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đe dọa tới đà hồi phục của thương mại Việt Nam. Sự luân chuyển của nhu cầu toàn cầu từ hàng hóa sang dịch vụ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài ở Trung Quốc cũng như cuộc xung độtE Ukraine - Nga sẽ quyết định phần lớn đến việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của Việt Nam trong bao lâu. Bên cạnh đó, các tác động từ bên ngoài như lộ trình tăng lãi suất của Fed, nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm, giá dầu neo ở mức cao cũng có khả năng khiến cho tỷ giá USD - VND neo cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho tỷ giá USD - VND có thể điều chỉnh giảm nhẹ nhẹ sau đó, nếu những rủi ro kể trên dần hạ nhiệt và cho phép VND tận dụng câu chuyện phục hồi kinh tế trong nước.