Vẫn chưa thể tăng lương cho người nghỉ hưu trước năm 1993

0:00 / 0:00
0:00

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sớm có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này là cần thiết, nhưng cần có tổng kết, đánh giá cụ thể hơn để dự kiến kinh phí phù hợp.

Nhiều vị đại biểu Quốc hội sốt ruột vì lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp. Ảnh minh họa

Nhiều vị đại biểu Quốc hội sốt ruột vì lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp. Ảnh minh họa

Khằng định sớm có chính sách ưu tiên hơn cho những người về nghỉ hưu trước năm 1993 là cần thiết, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần có tổng kết về số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

Theo chương trình kỳ hop thứ 10, chiều 12/11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Quá trình thảo luận và cả chất vấn tại kỳ họp thứ 10, thậm chí cả từ Quốc hội khoá trước, nhiều vị đại biểu đã sốt ruột vì lương hưu của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, đời sống rất khó khăn, nên cần đấy nhanh chính sách tăng lương cho đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, số người hưởng lương hưu trước 1993 hiện nay là 592.000 người và mức lương thấp nhất là 3 triệu/người, cao nhất là 8 triệu/người.

Ở báo cáo tiếp thu, giải trình Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122/2020/QH14, trong đó quy định “Chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Căn cứ tình hình thực tế, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở”.

Kết luận số 91-KL/TW của Hội nghị Trung ương 13 quy định: trong năm 2021 chưa điều chỉnh lương cơ sở, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo.

Thời gian qua, triển khai Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch Tài chính 5 năm quốc gia, việc thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công được thực hiện đồng thời với điều chỉnh mức lương cơ sở.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tình hình thu NSNN năm 2020 hụt thu khoảng 190 nghìn tỷ đồng so với dự toán; dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 giảm trên 170 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020, nên chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp xã hội và trợ cấp hàng tháng (đối tượng do NSNN bảo đảm), trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2020 và năm 2021, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.

Về việc ưu tiên điều chỉnh mức tăng trợ cấp người có công, lương hưu và trợ cấp cho những người về nghỉ hưu trước năm 1995, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận, đúng như ý kiến các vị đại biểu đã nêu, do vẫn còn tồn tại những bất hợp lý về chính sách tiền lương, nên việc sớm có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này là cần thiết.

Song theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì cần có tổng kết về số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng NSNN.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này trong thời gian tới.

Từ những lý do trên, dự thảo nghị quyết nêu rõ: trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo.

Tin bài liên quan