Vẫn chỉ là dòng tiền “đánh nhanh, rút gọn”

Vẫn chỉ là dòng tiền “đánh nhanh, rút gọn”

(ĐTCK-online) Với một số dấu hiệu khả quan hơn từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như thanh khoản ngân hàng dồi dào hơn, lạm phát bớt căng thẳng…, hơn một tuần qua, TTCK đã khởi sắc trở lại với thanh khoản tăng vọt. Liệu dòng tiền mới đã thực sự tham gia và thị trường có tăng trưởng bền vững? Đầu tư Chứng khoán và một số chuyên gia thử lý giải câu hỏi này.

Ông Phan Dũng Khánh,

Trưởng phòng Phân tích CTCK KimEng (KEVS)

Tiêu điểm của các phiên giao dịch trong 2 tuần nay tập trung vào các mã có thị giá dưới mệnh giá. Qua thống kê sơ bộ của Phòng phân tích KEVS, trên sàn HOSE đến ngày 14/6 có gần 31% mã chứng khoán dưới mệnh giá. Trong số này, có đến 70% tăng giá mạnh hơn mức tăng của VN-Index kể từ đầu tháng 6. Trên sàn HNX, các con số tương ứng là 45% mã chứng khoán dưới mệnh giá và trong 2 tuần qua có đến 52% trong số này có mức tăng điểm mạnh hơn mức tăng của HNX-Index.

Điều này cho thấy dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu nhỏ rất mạnh, nhất là sàn HNX khi mà số mã chứng khoán dưới mệnh giá nhiều gấp đôi sàn HOSE. Các mã dưới mệnh giá chỉ mới một tháng trước đây bị gán cho nhiều ngôn ngữ như “rẻ hơn bèo”, “rẻ hơn 1 cái vé gửi xe”, “rẻ hơn 1 bó rau”…, nay tình hình xoay chuyển khi NĐT tranh nhau mua vào. Nguyên nhân làm cho lực cầu bất ngờ xuất hiện mạnh ở nhóm cổ phiếu thị giá thấp chính là sự kỳ vọng về lợi nhuận lớn của các NĐT. Ví dụ, cổ phiếu VIC có thị giá hơn 100.000 đồng/CP, khả năng tăng gấp đôi là không dễ so với một mã nhỏ giá 5.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, tôi lưu ý các NĐT là các mã chứng khoán này đã trải qua một giai đoạn giảm giá dài hạn để có được mức giá bằng “một que kem” lúc này. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều NĐT khác đang bị thua lỗ rất nặng ở những vùng giá cao và lượng hàng này luôn sẵn sàng để cung cấp cho thị trường.

Bằng chứng là những mã chứng khoán này càng lên cao thì khối lượng giao dịch càng tăng vọt. Và như thường lệ, khi các mã đầu cơ tăng nóng, trong khi nhóm blue-chip thiếu sinh khí thì các dòng tiền lớn vẫn đứng đâu đó bên lề thị trường làm quan sát viên.

 

Ông Ngô Văn Minh

Giám đốc Phân tích - đầu tư, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)  

Trước khi có đợt tăng vừa qua, TTCK có một đợt bán tháo diễn ra khá mạnh khoảng 10 ngày (từ ngày 16/6 đến ngày 25/5). Với việc cổ phiếu giảm quá sâu, tạo sự hấp dẫn cho khá nhiều NĐT vốn dĩ cả thời gian dài vẫn ngồi ngoài thị trường do lo ngại bất ổn vĩ mô, hiện đã quyết định tham gia ngắn hạn vào thị trường. Đó là một số yếu tố hội tụ để tạo nên một đợt tăng điểm ngắn nhưng khá ấn tượng vừa qua, chỉ số chứng khoán tăng trên dưới 25% trong thời gian 2 tuần.

Đợt tăng vừa qua có thể nói do sức mạnh của khối NĐT nội tạo ra và diễn biến tại sàn chứng khoán Hà Nội có sự hấp dẫn hơn sàn TP. HCM Tuy nhiên, cho đến ngày 13/6, VN-Index bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh, HNX-Index lực tăng yếu dần và việc đảo chiều đã diễn ra vào ngày 14/6. Có thể thấy, việc phân phối đã tạm hoàn thành với việc dòng tiền đầu cơ rút dần khỏi thị trường.

Tôi đang băn khoăn tự hỏi, liệu sóng đầu cơ lần này có phải là sóng duy nhất trong năm 2011 hay không? Đơn giản là tôi thấy vẫn còn khá nhiều rủi ro đang chờ đợi ở phía trước.

 

Ông Nguyễn Hoàng Giang

Tổng giám đốc CTCK VNDirect

Sự hồi phục của thị trường trong những phiên gần đây, đặc biệt trên sàn HNX, chủ yếu do yếu tố kỹ thuật. NĐT mạnh tay gom vào do nhận thấy giá cổ phiếu đã xuống khá thấp. Lãi suất huy động gần đây bớt căng thẳng cũng là một thông tin tích cực. Tuy nhiên, do chưa có sự nâng đỡ của những yếu tố vĩ mô tích cực nên chưa thể khẳng định một xu hướng đi lên bền vững của thị trường.

Thực tế, tại VNDirect vừa qua, NĐT ít dùng đòn bẩy và bản thân Công ty cũng khuyến cáo NĐT thận trọng trong việc sử dụng công cụ này. Qua quan sát có thể thấy, dòng tiền vào thị trường thời gian vừa qua là tiền thật của NĐT. Do đó, áp lực giảm sâu hoặc bán tháo giải chấp là không nhiều. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu dòng tiền của các quỹ, NĐT lớn tham gia vào thị trường. Chỉ khi nào những tín hiệu vĩ mô về lạm phát, lãi suất được cải thiện thì NĐT tổ chức mới nhập cuộc.

 

Ông Mạc Quang Huy

Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long (TLS)

Sở dĩ giao dịch trên thị trường khởi sắc hơn, nhiều cổ phiếu được chú ý và tăng trần, chủ yếu vì NĐT đã lạc quan hơn trước diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như sự hưng phấn từ sự ra đời của Thông tư 74/2011/TT-BTC. Các NĐT kỳ vọng, một khi lãi suất có chiều hướng giảm, lạm phát đã bớt phần căng thẳng, dòng tiền trên TTCK sẽ có cơ hội gia tăng. Tuy nhiên, dòng tiền này có bền vững hay không thì chưa thể khẳng định chắc chắn tại thời điểm này. Tôi vẫn thấy ở TTCK Việt Nam có nhiều yếu tố chưa bền vững.

Trong bối cảnh đó, chiến lược của TLS là tiếp tục sự cẩn trọng trong hoạt động. Chúng tôi không đầu tư mới mà chủ yếu là tái cơ cấu danh mục, đi theo hướng bền vững, hạn chế các hoạt động lướt sóng.

Với hoạt động giao dịch ký quỹ (margin), tôi đánh giá, xu hướng của UBCK sẽ là siết chặt chứ không phải nới lỏng như chúng ta vẫn tưởng. Việc ban hành Thông tư 74 là một bước tiến để các nhà quản lý ghi nhận sự thật đã rồi, nhằm luật hóa các hoạt động này theo hướng lành mạnh. TLS ủng hộ tinh thần này và sẽ triển khai cung cấp dịch vụ margin trên tinh thần đó.