Cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Vẫn bỏ trốn, cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị bác đơn kháng cáo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hội đồng xét xử không xét đơn kháng cáo của người thân, luật sư bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các bị cáo bỏ trốn khác do không thuộc trường hợp được kháng cáo thay.

Sáng nay (22/5), Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (viết tắt là AIC) và các đơn vị liên quan.

Trong phần thủ tục, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, có 8 bị cáo không có mặt (đang bỏ trốn), trong đó một số bị cáo có đơn kháng cáo của luật sư, gia đình.

Về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng khi xét xử ở cấp sơ thẩm, tòa án đã đánh giá hành vi của điều tra viên, kiểm sát viên và tuyên bản án đúng quy định pháp luật. Các luật sư, gia đình bị cáo đã biết.

Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo và người liên quan, xét nguyên tắc có lợi cho bị cáo nhất, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX xét xử theo đúng quy định.

Luật sư của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, người đang bị truy nã, cho biết bị cáo tự mình viết đơn kháng cáo gửi về. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng có đơn xin xét xử vắng mặt. Bị cáo vận động gia đình bồi thường số tiền mà bản án sơ thẩm tuyên buộc bị cáo phải hoàn trả. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử đối với đơn kháng cáo của bị cáo Thuyết.

Những bị cáo có đơn kháng cáo khác do luật sư, người thân làm hộ. Những luật sư của bị cáo này đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử đối với đơn kháng cáo được làm thay nói trên.

Các bị cáo có đơn kháng cáo có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 22/5.

Các bị cáo có đơn kháng cáo có mặt tại phiên phúc thẩm sáng 22/5.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo do luật sư làm thay cho các bị cáo bỏ trốn, bao gồm bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh.

Theo HĐXX, tòa cấp sơ thẩm đã tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng, nhưng đến nay các bị cáo vẫn vắng mặt.

Khi xét xử sơ thẩm, bản án đã tuyên về quyền kháng cáo, các bị cáo đều không thuộc trường hợp được kháng cáo thay. Do các bị cáo vắng mặt nên tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo thay cho bị cáo.

"Đến nay, các bị cáo chưa ra đầu thú, chưa có mặt tại phiên tòa. Việc các bị cáo bỏ trốn thể hiện việc họ đã tự từ bỏ quyền tự bào chữa, quyền kháng cáo đối với những nội dung của vụ án này", HĐXX nhận định.

Mặt khác, tòa án cấp sơ thẩm đã tiếp nhận và lưu hồ sơ thể hiện có đơn đề “Đơn kháng cáo”, người gửi là Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh, phong bì đựng đơn được gửi từ nước Mỹ.

Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm đã bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm đã bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm xét thấy những đơn này không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền (Cục lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao...). Hai bị cáo chưa ra trình diện trước pháp luật, không có tài liệu nào chứng minh các bị cáo đã nhập cảnh về Việt Nam, cũng như không có căn cứ chứng minh về nhân thân của các bị cáo.

Vì thế, theo HĐXX phúc thẩm, không đủ căn cứ chấp nhận xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Ngô Thế Vinh cũng như các bị cáo đang bị truy nã khác.

Trước đó, ngày 4/1/2023, vụ án nói trên đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo các lãnh đạo, cán bộ Công ty AIC đưa hối lộ, lập hồ sơ dự thầu, tham gia đấu thấu và trúng 16 gói thầu sai quy định tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 152 tỷ đồng.

Bị cáo Nhàn bị xử phạt 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng cộng là 30 năm tù. Tuy nhiên, bị cáo đã bỏ trốn và bị truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế từ ngày 10/5/2022.

Được biết, sau phiên tòa sơ thẩm, có 15 bị cáo có đơn kháng cáo, trong đó có 7 bị cáo đã bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế.

Tin bài liên quan