Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên họp.
Băn khoăn từ kỳ họp thứ hai, đến phiên thảo luận sáng nay (26/5) đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục quan tâm đến quy định trang bị của cảnh sát cơ động tại dự án luật về lực lượng này.
Được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai, Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội.
Điều 23 dự thảo Luật quy định, cảnh sát cơ động được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Đây là một nội dung nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đã có rất nhiều ý kiến khác nhau ở các cuộc thảo luận trước đây, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này là sẽ giao cho Chính phủ quy định loại trang bị máy bay cụ thể.
Nhấn mạnh điều này trong phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng vấn đề cần quan tâm nữa là cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay ở mức độ nào, loại tàu bay nào để sau này trong quá trình tổ chức thực hiện tránh trường hợp chồng lấn các phương tiện bay khác.
Theo đại biểu Thắng, cần phải xây dựng khung khuôn khổ pháp luật để xác định những nguyên tắc cơ bản cho việc trang bị phương tiện tàu bay cho cảnh sát cơ động.
Nguyên tắc này, ông Thắng nhấn mạnh, phải bảo đảm rằng tàu bay trang bị cho cảnh sát cơ động đảm bảo phục vụ đúng cho mục đích, hoạt động có tính nghiệp vụ riêng biệt của cảnh sát cơ động. Được sử dụng một cách có hiệu quả, tránh những lãng phí, không làm phát sinh sự chồng chéo, xung đột với các phương tiện bay khác, trong đó có tàu bay của các lực lượng được pháp luật quy định cho phép trang bị. Nhất là việc quản lý không gian bay, bảo đảm sự thống nhất giữa yêu cầu hoạt động bay của cảnh sát cơ động với hoạt động kiểm soát, chỉ huy thống nhất bảo vệ vùng trời Tổ quốc của lực lượng phòng không, không quân thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quyền hạn của cảnh sát cơ động cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Điều 10 khoản 3 dự thảo Luật quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn nội dung này nhằm tránh chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng phòng không của Bộ Quốc phòng.
Bởi, theo quy định hiện hành thì một số khu vực cấm bay, hạn chế bay do Bộ Quốc phòng quản lý, bảo vệ lực lượng cảnh sát cơ động không thể tiếp cận và triển khai nhiệm vụ. Do đó, cần xác định cụ thể phạm vi số khu vực cấm bay, hạn chế bay mà lực lượng cảnh sát cơ động có thể thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo tránh chồng chéo với các đơn vị của Bộ Quốc phòng.
Một số vị đại biểu khác cũng đồng tình với phân tích này.
Vẫn về quyền hạn của cảnh sát cơ động, khoản 2 điểm a điều 10 cho phép cảnh sát cơ động được mang vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
Khẳng định đây là một quy định rất cần thiết, song đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng cần phải giải thích hàng đặc biệt là gì.
Theo đại biểu thì dự thảo cũng chưa giao cho chủ thể nào giải thích thế nào là hàng đặc biệt. Phải có giải thích để tránh sự sự lạm dụng ở đây, ông Tám đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đồng thời chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối chương trình kỳ họp.