Bà Bùi Thị An

Bà Bùi Thị An

“Văn bản đá nhau, tạo kẽ hở trục lợi”

(ĐTCK) Nhân dịp Quốc hội thảo luận về Luật Đất đai và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) có cuộc trao đổi với ĐTCK về tình hình tội phạm kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng và đất đai.

Đại biểu An cho rằng: Để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp với mục tiêu phòng chống, hạn chế tình trạng tội phạm, đặc biệt là tội phạm kinh tế thì đào tạo trong ngành tư pháp nói chung phải tập trung hơn, mạnh mẽ hơn. Đồng thời, cần rà soát, loại bỏ các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, tạo kẽ hở cho kẻ xấu trục lợi.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tình hình tội phạm kinh tế hiện nay, khi mà trong lĩnh vực ngân hàng và đất đai đã phát hiện nhiều vụ án nghiêm trọng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng?

Không chỉ tôi mà các đại biểu Quốc hội khác đều thấy tình hình tội phạm kinh tế ngày càng phức tạp, gây ra tổn thất rất lớn cho cả Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, đất đai. Nguyên nhân cơ bản là do trong cả một quá trình dài, công tác quản lý của các cơ quan có trách nhiệm còn bị buông lỏng. Bên cạnh đó là hoạt động quản trị rủi ro của các ngân hàng như đánh giá tài sản thế chấp, quản lý hồ sơ... bị coi nhẹ, dẫn tới nhiều vụ thông đồng trục lợi giữa khách hàng và ngay chính nhân viên ngân hàng.

Có nhiều trường hợp, tài sản thế chấp chỉ đáng giá 100 đồng, nhưng cán bộ thẩm định thông đồng với khách hàng nâng giá trị lên cả ngàn đồng, cho nên rủi ro mới xảy ra. Nhiều khoản nợ xấu mà ngân hàng không thể thanh lý tài sản để siết nợ cũng chính vì lý do này…

 

Đối với lĩnh vực đất đai, gần đây ghi nhận nhiều vụ án lớn mà trong đó, chính những quy định, thủ tục liên quan đến đăng ký, chuyển nhượng nhà đất, việc tra cứu thông tin nhà đất… đã làm khó người dân và dẫn đến tình trạng đối tượng lợi dụng để lừa đảo. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Về việc này, Quốc hội đã giao cho cơ quan có trách nhiệm rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đất đai, xem xét các văn bản chồng chéo, không thích hợp, “đá nhau” để loại dần những văn bản không cần thiết, qua đó hạn chế các kẽ hở để kẻ xấu chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngoài ra, liên quan đến thủ tục đăng ký tài sản là nhà đất, tôi cho là chương trình cải cách hành chính của Chính phủ cũng phải rà soát và xem xét loại bỏ các thủ tục, quy trình không cần thiết, kéo dài và gây khó khăn cho người dân.

Ví dụ như việc giảm thuế đăng ký trước bạ đối với xe ô tô cũ, trước đây do thuế cao, nên xuất hiện phổ biến hiện tượng người dân mua bán trao tay, không làm đăng ký mới để khỏi phải đóng thuế. Hậu quả là có nhiều tranh chấp, lừa đảo xảy ra, cơ quan quản lý khó kiểm soát. Nay với mức thuế thích hợp và người dân tham gia đăng ký rất đông, như vậy là dễ cho cơ quan quản lý, dễ cho cả người dân. Với tài sản là nhà đất, chúng ta phải xem xét lại quy trình thủ tục đăng ký, chuyển nhượng để làm sao thuận tiện cho người dân, hạn chế đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở để lừa đảo và cơ quan chức năng cũng dễ quản lý hơn.

 

“Có phải do năng lực kém?”

Cũng liên quan đến tình trạng tội phạm kinh tế, đại biểu Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND TP. Hà Nội, nhấn mạnh đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là với nhân sự ngành ngân hàng, khu vực thường xuyên tiếp xúc với tiền bạc.

Ông Nguyễn Sơn nói: Đối với những vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, phải xem xét trong hoạt động cấp tín dụng, cán bộ có thực hiện đúng trình tự, thủ tục hay không, lãnh đạo xét duyệt như thế nào. Thông thường, hồ sơ tín dụng do cán bộ đề xuất lên, nhưng lãnh đạo phòng, ban duyệt cũng có trách nhiệm dù là có thực hiện kiểm tra hay không, bởi về nguyên tắc, đã ký là phải chịu trách nhiệm. Nhiều trường hợp, thất thoát xảy ra là do cán bộ không thực hiện đúng trình tự, thủ tục cho vay.

Ở đây còn liên quan cả vấn đề tài sản bảo đảm, bảo lãnh, các hợp đồng công chứng về bảo lãnh, đăng ký giao dịch bảo đảm… Đôi khi công chứng thì có nhưng không chính xác nội dung, người bảo lãnh không hiểu biết pháp luật dẫn đến sai sót, thất thoát tài sản của Nhà nước.

“Tôi thấy chất lượng đầu vào của sinh viên ngành tài chính - ngân hàng là cao so với mặt bằng chung của các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Tại sao trong rất nhiều vụ việc, các cán bộ thừa hành đều đổ cho năng lực kém, lơ là trong công tác… Ở đây có phải do quy định nội bộ chưa chặt chẽ, việc đào tạo đạo đức nghề nghiệp còn có vấn đề hay do các quy định, quy trình trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng quá phức tạp nên nhân viên khó lĩnh hội?”, ông Nguyễn Sơn đặt câu hỏi.