Hiện trạng nợ xấu và vai trò của VAMC
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), đến cuối tháng 12/2014, tổng nợ xấu nội bảng là 145.000 tỷ đồng, chiếm 3,25% tổng dư nợ, giảm so với mức 4,17% tháng 6/2014 và mức 3,61% tháng 12/2013. Như vậy, sau khi tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động của DN còn nhiều khó khăn và TCTD phải áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn theo những quy định trong Thông tư 09/2014/TT-NHNN, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã bắt đầu giảm.
Đến cuối tháng 12/2014, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN là 309.000 tỷ đồng. Quyết định 780 và Thông tư 09 cho phép các TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay mà TCTD đánh giá hoạt động của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt.
Nếu đánh giá thận trọng về số liệu nợ xấu bao gồm cả những khoản nợ đã thực hiện cơ cấu lại nợ nhưng có khả năng sẽ chuyển thành nợ xấu trong 2015, tổng nợ xấu của hệ thống trong năm 2015 sẽ lên 332.000 tỷ đồng (bao gồm 145.000 tỷ đồng đã được phân loại nợ xấu cộng với 187.000 tỷ đồng nợ xấu được cơ cấu lại).
VAMC tổ chức mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đối với những khoản nợ của các TCTD đáp ứng đủ điều kiện quy định. Lũy kế từ tháng 10/2013 đến 31/12/2014, VAMC đã thực hiện mua 133.555 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 108.652 tỷ đồng của 39 TCTD. Kết quả mua nợ xấu của các TCTD bằng TPĐB của VAMC đã góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tính đến cuối năm 2014.
Cùng với việc mua nợ xấu bằng TPĐB, VAMC đã tích cực triển khai các công tác xử lý nợ xấu theo các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, Công ty tổ chức thực hiện phân loại, đánh giá khoản nợ và tài sản đảm bảo để xử lý, theo hướng:
Thứ nhất, khách hàng có khả năng phục hồi thì cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giảm lãi suất cho vay về mức phù hợp. Trường hợp xét thấy khách hàng có phương án khả thi thì đề nghị TCTD cho khách hàng tiếp tục được vay vốn để thực hiện dự án, hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Mặc dù việc xử lý nợ xấu gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ các quy định của luật pháp cho đến cơ chế chính sách cũng như công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, công tác xử lý nợ của VAMC đã đạt được những kết quả khả quan.
Về hoạt động cơ cấu lại nợ: đã thực hiện điều chỉnh lãi suất cho 28 khoản nợ của 9 khách hàng với dư nợ gốc được điều chỉnh là 367 tỷ đồng; miễn, giảm lãi/phí cho 17 khách hàng với số tiền miễn giảm lãi là 66 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 11 khách hàng với dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 446 tỷ đồng. Cùng với việc cơ cấu lại nợ, VAMC đã trao đổi với TCTD tiếp tục cấp hạn mức 950 tỷ đồng cho 2 khách hàng để hoàn thiện 2 dự án, đến nay đã giải ngân được 425 tỷ đồng.
Với các nguồn thu từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng sau khi được cơ cấu nợ, thu từ bán nợ, bán TSĐB cùng với các biện pháp thu hồi nợ khác, đến nay, VAMC đã phối hợp với các ngân hàng thu được 5.021 tỷ đồng.
Như vậy, theo thời gian, có thể thấy VAMC là công cụ hữu hiệu trong quá trình xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách của Việt Nam, mà kết quả là sau gần 2 năm đi vào hoạt động đã giúp cho các TCTD giảm được dư nợ xấu hơn 128.000 tỷ đồng, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, tiếp cận được vốn vay của TCTD.
Những khó khăn, bất cập
Tuy nhiên, so với thực trạng nợ xấu, tốc độ xử lý còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo còn rất khiêm tốn. Quá trình triển khai xử lý nợ xấu trong thời gian qua, VAMC gặp phải một số khó khăn, bất cập.
Thứ nhất, việc tiến hành cơ cấu nợ, miễn giảm lãi còn nhiều hạn chế, do nhiều nguyên nhân:
- TCTD không muốn xem xét miễn giảm lãi, cơ cấu khoản nợ cho khách hàng, thậm chí nhiều khách hàng có đơn đề nghị xem xét cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, song không được đáp ứng vì khoản nợ có tài sản đảm bảo giá trị kém.
- Từ phía khách hàng: khách hàng chưa đưa ra được phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, chưa chứng minh được tình hình tài chính, cũng như thu xếp vốn để đầu tư tiếp.
- Từ phía VAMC: Công ty không thể chủ động tiến hành miễn giảm lãi cho khách hàng khi TCTD chưa thống nhất, việc quyết định miễn giảm lãi ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của các TCTD. Mặt khác, TCTD vẫn phải chịu mọi rủi ro đối với khoản nợ xấu mua bằng TPĐB, do vậy nếu TCTD không thống nhất thì VAMC cũng không thể tiến hành được.
Thứ hai, việc tiến hành thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản kết quả còn khiêm tốn, mà thực chất phần lớn giá trị thu hồi là do nỗ lực của TCTD tự thực hiện (VAMC đã tiến hành uỷ quyền thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo cho TCTD).
Thứ ba, thực tế hiện nay có nhiều DN phát sinh nợ xấu tại một hoặc nhiều TCTD, nợ xấu đã được bán cho VAMC. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị được cơ cấu nợ, xây dựng phương án để tiếp tục kinh doanh, TCTD không đồng ý cho DN được tiếp tục vay vốn.
Thứ tư, TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo của khách hàng vay đúng trình tự và thống nhất phương án thu giữ, phát mại tài sản. Tuy nhiên, khách hàng không đồng ý bàn giao tài sản dẫn đến VAMC và TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.
Thứ năm, trong trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC.
Thứ sáu, khách hàng dựa vào lý do đã bán nợ cho VAMC để kéo dài việc trả nợ, không hợp tác với TCTD, thậm chí có yêu cầu VAMC thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi trong khi không có phương án kinh doanh khả thi, không đáp ứng được điều kiện theo quy định.
Thứ bảy, về phía TCTD, việc bán nợ cho VAMC chỉ giúp giảm nợ xấu về tỷ lệ theo quy định, TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm như trích dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo, thậm chí gánh chịu hậu quả nếu xảy ra thất thoát. Do vậy, TCTD vẫn xác định quyền chủ nợ của họ sau 5 năm sẽ thu hồi, dẫn đến sự hợp tác không chặt chẽ, thậm chí không cần VAMC xử lý nợ xấu đã bán.
Thứ tám, VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng tài sản đảm bảo. Do vậy, trên danh nghĩa, TCTD vẫn có quyền quyết định đối với tài sản thế chấp của khoản nợ, VAMC không có nhiều vai trò định đoạt tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu đã mua. Thực tế cho thấy, nếu TCTD phối hợp chặt chẽ với VAMC thì Công ty thể hiện được vai trò của mình và ngược lại, TCTD không hợp tác thì VAMC không thực hiện được vai trò trong công tác xử lý nợ.
Thứ chín, cho dù khách hàng rất muốn bán tài sản để trả nợ TCTD, tuy nhiên, sau khi bán tài sản, giá trị thu hồi không đủ trả nợ TCTD, khách hàng không còn nguồn lực để trả nợ TCTD. Vì vậy, khách hàng thường không chấp nhận định giá tài sản theo mức giá thị trường mà luôn yêu cầu phải đủ để trả nợ gốc và lãi. Mặt khác, một số trường hợp TCTD không phối hợp để bán nợ, tài sản do có vấn đề trong quá trình vay vốn.
Thứ mười, hiện Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Tổ chức muốn mua nợ xấu cần phải có đăng ký kinh doanh với ngành nghề mua bán nợ. Hiện tại chỉ có VAMC, DATC và các AMC của các TCTD mới có thể thực hiện các giao dịch mua bán nợ xấu. Từ thực tế đó, VAMC mua nợ xấu cũng không thể bán, mà chỉ có thể xử lý qua hình thức bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
Mười một, việc bán khoản nợ khi chưa có cơ sở định giá rất phức tạp. Trong khi đó, khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ.
Trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động của VAMC, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản đảm bảo..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể.
Và những định hướng lớn
Thực hiện Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 27/1/2015 của Thống đốc NHNN về tăng cường xử lý nợ xấu của TCTD, theo đó tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu nêu tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% đến cuối năm 2015, VAMC sẽ tiếp tục tích cực thực hiện mua nợ xấu thanh toán bằng TPĐB và bắt đầu triển khai thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường, đồng thời nỗ lực phát huy vai trò trong công tác xử lý nợ xấu.
Các mục tiêu hoạt động chủ yếu của VAMC trong năm nay sẽ là: mua nợ bằng TPĐB tối thiểu đạt 100.000 tỷ đồng tổng dư nợ gốc (kế hoạch phát hành TPĐB 80.000 tỷ đồng); thu hồi nợ, bán nợ/tài sản đảm bảo đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng tổng giá trị thu hồi; triển khai các biện pháp cơ cấu nợ (cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, miễn giảm lãi) phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng phương án mua, bán nợ theo giá thị trường và triển khai thí điểm mua nợ theo giá thị trường theo quy định của pháp luật và theo phương án được phê duyệt, phấn đấu mua được khoảng 5.000 tỷ đồng; xây dựng và triển khai phương án xử lý những khoản nợ đã mua bằng TPĐB…
Từ năm 2016 trở đi, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai DN để thực hiện mua và bán nợ. Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.
Ở giai đoạn này, bên cạnh việc tiếp tục mua nợ xấu nội bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng được chiến lược mua bán nợ xấu trên cơ sở phân loại các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB để thực hiện mua đứt theo giá trị thực tế. Đồng thời, tổ chức đấu giá phát mại tài sản theo hướng dẫn tại Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Tham gia góp vốn, chuyển nợ thành vốn góp để tái cấu trúc DN có khả năng phục hồi sản xuất. Tiếp tục cơ cấu các khoản nợ có khả năng phục hồi, đồng thời triển khai nghiệp vụ bảo lãnh cho khách hàng được vay vốn tại các TCTD. Đầu tư nâng cấp, cho thuê tài sản. Nếu tiềm lực đủ mạnh, Công ty sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD.
Để thực hiện được những công việc nêu trên, VAMC cần được trang bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và đặc biệt quan trọng là cần phải có hành lang pháp lý đủ mạnh, thậm chí có riêng một sắc luật về xử lý nợ xấu để có thể xử lý nhanh chóng và triệt để các khoản nợ xấu đã mua.