“Tổ chức tín dụng chỉ khi khó khăn quá mới bán nợ cho VAMC”
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB
Bên cạnh đó, tốc độ bán nợ trong quý I, II/2014 chậm hơn là do bản thân các TCTD tập trung vào việc kinh doanh, nên việc bán nợ cho VAMC cũng chậm theo và thường thì quý III, IV, các TCTD mới bán nợ và tôi tin giai đoạn sắp tới, tốc độ sẽ nhanh hơn rất nhiều.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều là, các TCTD không chỉ có bán nợ, mà còn kinh doanh, nghĩ cách tự xử lý món nợ xấu và chỉ khi khó khăn quá mới bán nợ cho VAMC, do đó, cũng không nên đòi hỏi VAMC 6 tháng đầu năm phải mua nợ “kìn kìn”. Ngoài ra, việc bán nợ theo Nghị định 53 phải đấu giá rồi mới thương thảo, khiến quá trình xử lý nợ rất chậm và muốn đẩy nhanh tốc độ lại phải trình xin cụ thể từng trường hợp, nên cần thiết phải có một cơ chế xử lý tài sản qua VAMC thoáng hơn.
“VAMC thực tế không có quyền lực để triển khai hoạt động mua - bán nợ theo cơ chế thị trường”
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO
Theo quy định thì rõ ràng VAMC có quyền năng rất lớn, nhưng trách nhiệm lại không được nói rõ.
Chẳng hạn, VAMC mua bán nợ theo cơ chế thị trường thì hạn mức kinh doanh ra sao, giới hạn trong hoạt động kinh doanh chấp nhận rủi ro đến đâu và việc phân quyền, phân hạn mức cho Ban điều hành VAMC để thực hiện các giao dịch chưa cụ thể…
Bên cạnh đó, lực lượng nhân sự mỏng, mà các khoản nợ ào ạt chuyển sang sẽ rất khó cho VAMC trong việc đánh giá, xác định rõ giá trị thực khoản nợ, dẫn đến một cơ chế xử lý thiếu thực chất. Chẳng hạn như việc đánh giá được tài sản đảm bảo cho các khoản vay có chắc chắn như đã được liệt kê trong tài liệu chuyển giao hay không, bởi ngay chính trong nội bộ của ngân hàng cũng khó mà kiểm soát được.
Thực tế, mỗi khoản vay đều có những bất thường của nó, mà hầu hết các món nợ chuyển sang VAMC đều là bất thường…
Do vậy, dù muốn nhưng VAMC thực tế có ít quyền lực để triển khai hoạt động mua - bán nợ theo cơ chế thị trường.
“Chậm xử lý nợ xấu có thể do nhiều khoản nợ liên quan đến sở hữu chéo ”
Ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia , Lào, Myanmar và Thái Lan
VAMC đã được thành lập và bắt đầu thu mua nợ xấu từ một số ngân hàng, nhưng tôi vẫn chưa thấy chuyển biến thực chất và đáng kể trong việc giải quyết nợ xấu và có lẽ sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa có những thông tin rõ ràng rằng các khoản nợ xấu sau khi về VAMC sẽ được giải quyết như thế nào.
Tôi cho rằng, có thể điều này xuất phát từ việc nhiều khoản nợ xấu có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, cho vay giữa các bên có liên quan, cho vay các công ty nhà nước… Chính vì vậy, việc phân loại xử lý các khoản nợ này sẽ rất phức tạp và mất thời gian.
“Cần một cơ chế đặc thù cho VAMC trong việc bán nợ xấu”
Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam
Để tháo gỡ được những vướng mắc này, cần một cơ chế đặc thù cho VAMC trong việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài, vì nếu chờ sửa luật sẽ rất lâu và nợ xấu ngày càng phình to ra. VAMC sẽ không thể xử lý dứt điểm nợ xấu, nếu không bán nợ xấu ra thị trường được.
Hơn nữa, cũng cần xem xét giải pháp bơm vốn thực cho VAMC để định chế này có thể mua đứt nợ xấu theo giá thị trường từ các TCTD. Kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy, công ty mua bán nợ với đầy đủ nguồn vốn là một trong những điều kiện tiên quyết để xử lý được nợ xấu. Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng cũng phải chủ động trong việc xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định của Thông tư 02 sẽ giúp bộc lộ tình hình nợ xấu thực tế, từ đó, giúp đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Để xử lý rốt ráo nợ xấu, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự góp sức từ nhiều thành phần kinh tế. Chúng ta không nên quá kỳ vọng VAMC sẽ là phương thuốc thần có thể xử lý được hết nợ xấu lưu cữu từ nhiều năm.
Còn nữa...