Cách đây gần 5 năm, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thời điểm 30/9/2012, theo đánh giá của NHNN tại Báo cáo trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, nếu ước tính thận trọng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng lên đến 17,21% tổng dư nợ tín dụng. Nếu đánh giá toàn diện và thanh tra chất lượng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng thì nợ xấu có thể còn lớn hơn.
Theo số liệu có được từ lãnh đạo VAMC, đến cuối năm 2016, Công ty đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Kể từ khi thành lập đến cuối năm 2016, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng tổ chức thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng dưới nhiều hình thức thu hồi như: bán nợ, bán tài sản bảo đảm đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng.
Tốc độ thu hồi nợ so với tổng dư nợ đã mua còn hạn chế, song tỷ lệ khách hàng tự trả nợ chiếm tới 70%, còn lại 30% là bán nợ, bán tài sản bảo đảm. Việc bán tài sản bảo đảm bao gồm phát mại, thi hành án để thu hồi nợ chỉ đạt 10.990 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 28,9%.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, đến thời điểm này, nhìn vào quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam sẽ nhận thấy 2 màu sắc chủ đạo là sáng và xám. Bên cạnh những việc Chính phủ, NHNN và cả hệ thống ngân hàng đã làm được, vẫn còn không ít thách thức phải đối mặt. VAMC đã được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7/2013.
NHNN cũng ban hành một số văn bản tăng cường chức năng, quyền hạn cho VAMC. Dù có những ý kiến chưa hài lòng về kết quả hoạt động của tổ chức này, nhưng thực tế ít nhiều VAMC đã tạo nên tác động tích cực.
Theo ông Thành, những vướng mắc về pháp lý như quyền sở hữu và quyền tài sản, chuyển đổi sở hữu, room cổ phần… đang trở thành rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư. Khi thị trường mua bán nợ chưa được định hình, các khoản nợ VAMC đã mua về khó xử lý được và điều này dễ khiến các ngân hàng nản lòng, không muốn bán tiếp nợ xấu cho Công ty.
Chưa kể, VAMC hiện mới xử lý nợ của ngân hàng có tài sản đảm bảo, chưa “đụng” đến khối nợ xấu cũng rất lớn của các doanh nghiệp nhà nước, trong khi đa phần các khoản nợ này không có tài sản đảm bảo.
“Việc xử lý nợ xấu ở đây gắn chặt với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn, sở hữu chéo…, đòi hỏi Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam và Bộ Tài chính phải có những bước triển khai quyết liệt hơn. Nếu không giải quyết mạnh mẽ những vấn đề trên đây, nợ xấu khó có thể thuyên giảm”, TS. Thành nói.
Thực tế cho thấy, những rào cản về pháp luật liên quan đến nhà đầu tư ngoại như quyền định đoạt tài sản bằng bất động sản ở Việt Nam, tỷ lệ tham gia sở hữu vốn… cần phải có những thay đổi thực sự. Nếu khung khổ pháp lý còn chưa đầy đủ, rối rắm, thì một điều chắc chắn là nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước vẫn sẽ đứng ngoài cuộc. Theo đó, dù có cố gắng tìm đối tác, hay chủ động lên phương án, VAMC cũng khó có thể thực sự xử lý được nợ xấu.
Ông Thành chia sẻ, khi xử lý khủng hoảng, bất kỳ quốc gia nào đều phải trả giá nhất định. Mức giá đắt hay rẻ phụ thuộc vào tính chất nghiệm trọng của vấn đề và vị thế của nước đó. Đối với Việt Nam, thị trường mua bán nợ chưa phát triển, VAMC có rất ít “tiền tươi thóc thật” để mua nợ, vị thế mặc cả của ngân hàng, doanh nghiệp và chính VAMC sẽ yếu. Đây là một nguyên nhân khiến các khoản nợ xấu khó được mua với mức giá thích hợp.
Rõ ràng, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bên cạnh sự phục hồi kinh tế, rất cần nâng cao năng lực cho VAMC để công ty này đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ và xử lý một cách triệt để (cả về pháp lực, năng lực, nguồn lực và quyền lực; trong đó quyền lực và pháp lực là quan trọng nhất), đồng thời tạo dựng những tiền đề cần thiết cho việc vận hành thị trường mua bán nợ, hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp lý đối với thị trường bất động sản.