Theo ông, xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) được ban hành có thay đổi nhiều?
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ định, VAMC là đơn vị thực hiện xử lý nợ xấu.
Trước mắt, có 6 ngân hàng được thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đó là Sacombank, ACB, BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank. Mục tiêu là tập trung triển khai một cách toàn diện, quyết liệt và hiệu quả tất cả các chính sách cho phép để xử lý nợ xấu, xác định mục tiêu, lộ trình triển khai cho từng năm cũng như báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các bộ, ngành hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Đây là nền tảng tạo khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn thúc đẩy kinh tế phát triển.
VAMC mua thêm bao nhiêu nợ xấu từ các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, thưa ông?
Từ đầu năm 2017 đến nay, VAMC đã mua thêm 25.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, nâng tổng số nợ xấu VAMC đã mua từ ngân hàng lên trên 260.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên, chúng tôi xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu bằng việc tự xử lý ngân hàng và sự phối hợp với VAMC. Đặc biệt, việc mua bán nợ được thực hiện theo cơ chế và giá thị trường kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Hiện tại, VAMC có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã ký được các hợp đồng mua bán nợ với các tổ chức tín dụng có số tiền trên 2.000 tỷ đồng, nên một số khoản nợ VAMC ký mua với ngân hàng được trả chậm. Những khoản nợ xấu lớn, khó khăn xử lý thì VAMC sẽ phối hợp với các ngân hàng để xử lý căn bản các khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng có khiến VAMC gặp khó khăn trong xử lý nợ?
Vốn điều lệ của VAMC sẽ nâng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2018 và dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tất nhiên, với tiềm lực này, để xử lý khoản nợ xấu hơn 10 tỷ USD (trên 260.000 tỷ đồng) mà VAMC đã mua lại từ các ngân hàng là chưa đủ, song VAMC cũng sẽ nâng cao vai trò của mình trong thời gian tới để cùng với các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ.
Mặt khác, VAMC có nhiều kênh để có thể xử lý nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt. Trong quý IV/2017, chúng tôi sẽ có trình NHNN Đề án Phát hành trái phiếu của VAMC.
Chúng tôi cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phú việc VAMC huy động nguồn lực này có thời hạn, có trả lãi suất khi mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các tổ chức tín dụng, VAMC, và quan trọng hơn là đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu ngân hàng.
Việc mua lại cũng như việc xử lý nợ xấu xem ra còn chậm?
Tất cả các cam kết cũng như hợp đồng mua bán nợ giữa VAMC và tổ chức tín dụng đang được thực hiện theo từng khách hàng cụ thể riêng biệt, theo thời hạn và vòng quay vốn của VAMC đúng theo nguồn lực, trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý nợ xấu.
Từ nay đến cuối năm, VAMC sẽ mua thêm bao nhiêu nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và khả năng xử lý nợ xấu của VAMC thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đang rà soát danh sách của các tổ chức tín dụng đã gửi cho VAMC.
Khả năng từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ mua thêm 35.000 - 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Còn về vấn đề xử lý nợ xấu, chắc chắn, năm nay sẽ xử lý được nhiều hơn năm 2016.
Năm 2016, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 28.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm nay, chúng tôi dự kiến xử lý được con số nợ xấu lớn hơn, sẽ thu hồi 35.000 - 40.000 tỷ đồng.