Cả con nợ lẫn chủ nợ đều chưa muốn “nhả” bất động sản
Bán nợ bất động sản cho người nước ngoài: quá dè dặt
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2014 (VBF 2014), đại diện nhóm công tác ngân hàng lại tiếp tục bày tỏ mong muốn Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua nợ xấu trên thị trường, cũng như các tài sản bảo đảm liên quan, đặc biệt là bất động sản. Tuy nhiên, kỳ vọng mua nợ bất động sản của các nhà đầu tư chưa thể sớm thành hiện thực.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Theo đó, Luật cho phép các cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp FDI, quỹ đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, quy định này chưa đủ để tạo sự chuyển biến trong xử lý nợ xấu bất động sản, bởi nhà đầu tư không quan tâm đến vấn đề sở hữu nhà ở, mà muốn có cơ chế thuận lợi để mua đi, bán lại các tài sản nợ bất động sản trên thị trường.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đã có 500 hồ sơ bán nợ được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chuyển cho các nhà đầu tư nước ngoài, song đến nay vẫn chưa thấy các nhà đầu tư trả lời. Nguyên nhân là ngay cả VAMC cũng không dám hứa là sau khi bán nợ, các tài sản đó sẽ toàn quyền sở hữu của nhà đầu tư.
Phản bác ý kiến cho rằng, việc bán nợ bất động sản cho nước ngoài sẽ gây ra nguy cơ khối ngoại thao túng thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa dẫn chứng, kinh nghiệm bán nợ cho nước ngoài ở Hàn Quốc cho thấy, khối ngoại không muốn nắm giữ lâu dài bất động sản, mà chỉ muốn mua, tái cơ cấu và bán lại để kiếm lời. Trong bối cảnh nguồn lực trong nước eo hẹp như hiện nay, sự tham gia của khối ngoại là rất cần thiết.
Để khối ngoại có thể tham gia mua bán nợ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần có một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến 11 bộ luật và 7 nghị định trong xử lý bất động sản hiện nay.
Ngân hàng là tù binh tự nguyện
Ngoài thiếu cơ chế bán nợ cho nước ngoài, một nguyên nhân nữa khiến nợ xấu bất động sản chậm được xử lý là cả ngân hàng lẫn con nợ đều chưa muốn “nhả” bất động sản. Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, việc xử lý nợ xấu chậm là do giá bất động sản quá thấp, nếu đem đi phát mãi, không chỉ con nợ mà cả ngân hàng (chủ nợ) cũng lỗ nặng. Chính vì vậy, ngân hàng thà giam nợ còn hơn bán nợ giá rẻ.
Nhận xét thêm về tình trạng giam nợ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, ngân hàng đang biến thành “tù binh” của doanh nghiệp. Lý do là, dù doanh nghiệp không trả nợ, ngân hàng cũng không thể siết nợ, không thể bán tài sản đảm bảo bởi vướng rất nhiều thủ tục.
Liên quan đến câu chuyện này, một chuyên gia khác cho rằng, việc ngân hàng bị biến thành tù binh là đúng, song đó là tù binh tự nguyện. “Rất nhiều khoản nợ lớn liên quan đến bất động sản đều là nợ của các công ty sân sau mà cổ đông lớn ngân hàng đó sở hữu. Vì vậy, việc xử lý các khoản nợ này rất khó, vì cả khách hàng và bản thân ngân hàng đó đều không muốn”, vị chuyên gia này nói.
Được biết, không chỉ ngân hàng, mà cả VAMC cũng đang xử lý nợ xấu bất động sản rất chậm. Ngoài vướng mắc về cơ chế, chất lượng nhiều khoản nợ chưa tốt. “Hầu hết những khoản nợ mà ngân hàng bán cho VAMC đều là nợ ‘vô phương cứu chữa’, nếu là nợ tốt thì ngân hàng đã tự xử lý. Rất nhiều khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản được bán cho VAMC có ‘vấn đề’ về pháp lý, giấy tờ”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho hay.