VAMC cần trợ giúp

VAMC cần trợ giúp

(ĐTCK) Mặc dù ghi nhận nỗ lực của VAMC, nhưng các chuyên gia ngoại đã thẳng thắn chỉ ra rằng VAMC còn thiếu kinh nghiệm.

>> Các ngân hàng tại TP. HCM sẽ bán 6.000 tỷ đồng nợ xấu trong qúy IV

>> SCB sẽ tiếp tục bán nợ xấu cho VAMC   

Việc thành lập Công ty quản lý tài sản các TCTD (VAMC) được các định chế tài chính trong và ngoài nước nhận định là một bước đi đúng hướng, bước tiến tích cực, cần phải được thực hiện rốt ráo, khẩn trương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, liệu VAMC có đủ khả năng để giải quyết nợ xấu?

VAMC cần trợ giúp ảnh 1Tính đến nay, VAMC đã mua 4.978 tỷ đồng nợ trên sổ sách của các ngân hàng

Chia sẻ với ĐTCK, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Đại diện thường trú tại Việt Nam cho rằng, vấn đề mấu chốt là VAMC sẽ xử lý các khoản nợ xấu mua lại từ các TCTD như thế nào? Bởi rất nhiều tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đó, tức cơ sở quan trọng nhất để có thể xử lý nợ xấu, lại nằm dưới sự điều chỉnh của các luật khác. Chẳng hạn, tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản còn chịu sự kiểm soát của Luật Đất đai.

Trả lời ĐTCK về việc liệu Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) có quan tâm mua nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực IFC tại Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào cho biết, một phần trong số những nhiệm vụ của IFC là giúp lành mạnh hóa hệ thống tài chính của nước sở tại, ví dụ như vấn đề nợ xấu tại Việt Nam hiện nay.

“Chúng tôi thực sự quan tâm đến tiến trình giải quyết nợ xấu và rất muốn tham gia vào công cuộc này. IFC đã đầu tư  3,5 tỷ USD để giải quyết nợ xấu trên khắp thế giới, đặc biệt tại các thị trường mới nổi với các các khoản nợ xấu tại hơn 600 ngân hàng và các công ty. Chính vì vậy, được tham gia vào tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam là mong muốn của chúng tôi”, ông Simon nhấn mạnh.

Tại hội thảo quốc tế Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc NHTM Việt Nam diễn ra tuần trước, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho biết, chưa bao giờ các nhà đầu tư nước ngoài lại muốn mua lại nợ xấu Việt Nam như hiện nay.

“Có những quỹ đầu tư, tập đoàn nước ngoài chưa đặt chân tới Việt Nam vì cho rằng không có khoản nợ nào đủ lớn để mua, thì nay cũng đang tìm hiểu mua nợ”, TS. Nghĩa chia sẻ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế bổ sung, có tới 58% quỹ đầu tư nước ngoài được hỏi đang rất quan tâm tới việc mua nợ xấu của Việt Nam .

Tuy vậy, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, còn quá nhiều băn khoăn trong tiến trình mua bán nợ xấu này. Ông Dominic Mellor cho rằng, cơ chế định giá và đấu giá các khoản nợ xấu vẫn chưa rõ ràng, trong khi việc định giá phải hợp lý, phù hợp với thị trường thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Simon, Việt Nam là thị trường mới, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý các cú sốc, các văn bản pháp luật còn nhiều điều chưa rõ ràng về cách thức xử lý nợ xấu. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có ý định mua nợ xấu đều muốn biết rõ quyền hạn của họ với khoản nợ đó như thế nào. Chính việc nâng cao tính khả thi của các văn bản pháp luật là điều kiện cần để thu hút các nguồn lực tài chính giải quyết nợ xấu.

“Giải quyết nợ xấu cần có nỗ lực của các bộ, ban, ngành Việt Nam . Trong đó, tăng cường cơ sở pháp lý để xử lý các tài sản đảm bảo và thiết lập cơ chế định giá, đấu giá các khoản nợ xấu chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài”, Dominic Mellor khuyến nghị.

TS. Cấn Văn Lực nhận định: “Cần đẩy nhanh quá trình phân loại nợ xấu tại các ngân hàng, đồng thời, nhanh chóng nới room cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các TCTD”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC cho biết, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đặt vấn đề với VAMC trong việc mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của VAMC trong việc xử lý nợ xấu là làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa ngân hàng, DN và đặc biệt là người dân.

 

Cuối tuần trước, (VAMC) đã tiến hành mua hai món nợ có tổng giá trị sổ sách 1.397 tỷ đồng, gồm 1.191 tỷ đồng từ SCB và 206 tỷ đồng từ Phương Nam. Tính đến nay, VAMC đã mua 4.978 tỷ đồng nợ trên sổ sách với trị giá trái phiếu đặc biệt phát hành để mua số nợ này là 3.800 tỷ đồng.

“Gần 3/4 trong tổng giá trị nợ đã mua liên quan đến bất động sản, còn lại là các hoạt động sản xuất và kinh doanh khác. Trong đó, nợ của DN nhà nước chiếm khoảng 1/3. Dự kiến, cuối tuần này, VAMC sẽ mua thêm khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng nợ xấu”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC chia sẻ với ĐTCK.