BIDV là 1 trong 8 ngân hàng đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong năm 2020.

BIDV là 1 trong 8 ngân hàng đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC trong năm 2020.

VAMC cần thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Đoàn Văn Thắng, thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), dịch bệnh Covid-19 và những vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động năm 2020. 

Hoạt động của VAMC như thế nào trong năm 2020 có nhiều khó khăn bởi đại dịch, thưa ông?

Mặc dù chịu sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19, VAMC đã hoàn thành về cơ bản 2/3 chỉ tiêu mua nợ, xử lý nợ theo kế hoạch kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước giao năm 2020.

Bên cạnh đó, Công ty hoàn thành 4/4 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động theo kế hoạch tài chính năm 2020 đã được phê duyệt.

Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu đạt 104,8%, chỉ tiêu lợi nhuận đạt 110%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 114,8%, không phát sinh chỉ tiêu nợ phải trả quá hạn và chấp hành tốt chế độ, chính sách pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tại Quyết định số 2024/QĐ-NHNN ngày 27/11/2020, VAMC từng bước triển khai Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 - 2020 và hướng tới năm 2022 tại Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 5/1/2018 và Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc này nhằm nâng cao năng lực hoạt động, kiện toàn bộ máy tổ chức, hoàn thiện mô hình hoạt động, xây dựng và hoàn thiện các văn bản nội bộ, đặc biệt là các văn bản liên quan đến hoạt động mua bán xử lý nợ, tiếp tục củng cố vị thế của VAMC trong lĩnh vực xử lý nợ.

Đồng thời, Công ty chủ động xúc tiến hoạt động phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, thông qua kết quả thành lập Câu lạc bộ AMC; hoàn thành Đề án Sàn giao dịch nợ VAMC trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt; hoàn thiện mô hình hoạt động theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN...

Đặc biệt, công tác đào tạo cán bộ được VAMC chú trọng cả về số lượng và chất lượng thông qua hội thảo, tập huấn, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật.

Nếu đề cập cụ thể hơn về kết quả hoạt động năm 2020 bằng con số, ông chia sẻ điều gì?

VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt 281 khoản nợ của 7 tổ chức tín dụng với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, giá mua nợ là 14.649 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch năm 2020. Lũy kế từ khi thành lập tháng 7/2013 đến hết 31/12/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt 374.622 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, với giá mua nợ là 342.016 tỷ đồng.

Công ty còn mua 222 khoản nợ của 135 khách hàng theo giá trị thị trường với dư nợ gốc 1.952 tỷ đồng, giá mua 1.498 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/12/2020, VAMC đã mua nợ xấu theo giá trị thị trường 9.962 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, với giá mua nợ là 9.706 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao đến năm 2020 theo Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

VAMC đã xử lý, phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý thu hồi nợ xấu được 47.561 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt gần 100% kế hoạch năm 2020), thu hồi nợ 15.344 tỷ đồng. Lũy kế từ khi thành lập đến 31/12/2020, kết quả xử lý thu hồi nợ của VAMC đạt 297.363 tỷ đồng dư nợ gốc.

Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực (15/8/2017), kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 63% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập.

Ngoài ra, VAMC thực hiện bán đấu giá 10 tài sản (8 khoản nợ và 2 tài sản bảo đảm), trong đó đấu giá thành công 6 tài sản (5 khoản nợ và 1 tài sản bảo đảm), giá trị đạt 393,6 tỷ đồng.

Thanh toán 2.393 mã trái phiếu đặc biệt với tổng mệnh giá 43.618 tỷ đồng. Lũy kế từ 2013 đến nay, VAMC đã thanh toán trái phiếu đặc biệt cho 38 tổ chức tín dụng với tổng mệnh giá 248.566 tỷ đồng.

Đến thời điểm 31/12/2020, có 21 tổ chức tín dụng thanh toán hết trái phiếu đặc biệt tại VAMC (riêng năm 2020 có 8 tổ chức tín dụng là VietinBank, BIDV, MSB, HDBank, Viet Capital Bank, VietABank, VietBank, LienVietPostBank). Hiện VAMC còn quản lý 91.752 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu đặc biệt.

Có những hạng mục, VAMC chưa đạt kế hoạch đặt ra, ông có thể cho biết lý do cụ thể là gì?

Kết quả mua nợ theo giá trị thị trường không đạt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao; thu hồi nợ mua theo giá trị thị trường còn chậm, một số khoản nợ mua từ năm 2018, 2019 tuy đã có phương án xử lý nợ nhưng chưa xử lý xong; kết quả cơ cấu lại nợ không cao và chủ yếu vẫn do tổ chức tín dụng được ủy quyền thực hiện.

Dịch bệnh Covid-19 dẫn đến mọi hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội kéo dài làm cho các hoạt động nghiệp vụ của VAMC bị gián đoạn. Công ty buộc phải thay đổi hình thức thực hiện từ trực tiếp sang trực tuyến, gặp không ít khó khăn trong hoạt động mua bán nợ (khảo sát tài sản, làm việc với các nhà đầu tư, khách hàng…) cũng như quá trình tổ chức, thực hiện đấu giá tài sản.

Theo lộ trình tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017, đến năm 2020, VAMC sẽ được tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn mua nợ xấu theo giá trị thị trường, bổ sung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính, uy tín thị trường nhằm triển khai việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường có hiệu quả.

Tuy nhiên, đến ngày 27/11/2019, VAMC mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg.

Về cơ bản, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, VAMC nhận thấy vẫn còn một số vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý nợ như thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, thi hành án, chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu...

Các tổ chức tín dụng cũng chú trọng kiểm soát rủi ro nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh nên biện pháp xử lý nợ là bán nợ theo giá trị thị trường cho VAMC chưa được tổ chức tín dụng ưu tiên thực hiện, do đó, quá trình đàm phán với các tổ chức tín dụng không đạt được thỏa thuận như ban đầu.

Vậy, VAMC có kiến nghị gì với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan?

Những vấn đề được đặt ra vẫn là tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các tổ chức tín dụng.

Ảnh tác giả

VAMC đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu, hoặc bổ sung quy định về xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng…

TS. Đoàn Văn Thắng

Cụ thể, Công ty đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu (phát triển từ Nghị quyết số 42/2017/QH14) hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung quy định về xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại của Nghị quyết 42/2017/QH14.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC, phù hợp với Chiến lược phát triển của VAMC đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành có liên quan thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu như hỗ trợ các hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của VAMC, đẩy mạnh xử lý các tranh chấp liên quan đến khoản nợ, tài sản bảo đảm bằng thủ tục rút gọn tại tòa án, thi hành án; Bộ Tài chính có hướng dẫn về chính sách thuế hỗ trợ cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 42...

Tăng vốn điều lệ vẫn là vấn đề cấp thiết với VAMC nên đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn theo lộ trình tại Quyết định 1058/QĐ-TTg và cho phép được tiếp tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm phê duyệt Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm thực hiện nhiệm vụ định hướng xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung, trong đó, VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VAMC, ông có thể cho biết một vài con số cụ thể?

VAMC dự kiến các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cụ thể như sau: mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng; mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường 5.000 tỷ đồng; xử lý thu hồi nợ 30.000 tỷ đồng (dư nợ gốc); chênh lệch thu chi tăng từ 10 - 15% so với kết quả đạt được năm 2020.

Tin bài liên quan