Những thành quả đáng khích lệ về kinh tế từ khi bắt đầu Đổi mới đã khẳng định việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, xóa bỏ những rào cản trong kinh doanh, khuyến khích khu vực tư nhân phát triển là một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Từ đó đến nay, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để thúc đẩy hoạt động kinh tế và khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, mà hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Vị thế và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định thông qua Luật Doanh Nghiệp và Hiến pháp sửa đổi năm 1992 và 2013. Từ những thay đổi trong Luật Doanh nghiệp năm 2000, khu vực tư nhân đã thực sự được tự do và khuyến khích phát triển. Luật Doanh nghiệp đã xóa bỏ những vấn đề phức tạp trong quản lý bấy lâu vẫn kìm hãm doanh nghiệp như các quy trình phức tạp trong cấp phép hay phí và lệ phí…
Ông Dominic Mellor, Chuyên gia Kinh tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhóm chuyên gia Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân Mekong (MBI)
Các số liệu thống kê đã cho thấy, lực lượng thị trường được giải phóng đã tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua. Chỉ trong một thập niên, con số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 14.500 trong năm 2000 lên đến 550.000 vào cuối năm 2011. Cũng trong thời kỳ này, khu vực tư nhân trong nước đã tạo ra gần 60% tổng số việc làm năm 2011, tăng gần hai lần từ 29% trong năm 2000.
Các DNNVV được đánh giá là một lực lượng chủ chốt tạo ra việc làm và thu nhập, đồng thời là động lực cho tăng trưởng và giảm nghèo ở Việt Nam. Dựa theo các số liệu được công bố bởi Tổng cục Thống kê, tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động trên phạm vi toàn quốc tại thời điểm 31/12/2014 là 402,3 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 96,40%, thu hút 59,48% tỷ trọng lao động. Như vậy, sự phát triển của khu vực này đương nhiên sẽ tác động vô cùng to lớn đến nền kinh tế.
Tiếp cận điện năng, thuế và thủ tục liên quan đến thuế vẫn có thứ hạng thấp trong Chỉ số kinh doanh năm 2016
Trong bối cảnh bội chi ngân sách, nợ công đã sát trần và ngân sách dành cho đầu tư còn hạn hẹp, Việt Nam sẽ tiếp tục đòi hỏi đầu tư tư nhân ở mức độ cao hơn để có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế với mục tiêu từ 7-8% hàng năm, cũng như tạo ra khoảng 8 triệu việc làm mới vào năm 2020. Những đóng góp như vậy được kỳ vọng đến từ khu vực tư nhân trong nước, mà phần lớn do các DNNVV tạo ra.
Những vấn đề nổi cộm và nỗ lực vượt qua thách thức
Trong những năm qua, Chính phủ đã xác định rõ vai trò của khu vực tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế và không ngừng cải cách chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới giảm chi phí kinh doanh, cắt giảm thời gian và thủ tục cho doanh nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu những nỗ lực của Chính phủ đã đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp chưa?
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng Việt Nam ở vị trí 90 trong tổng số 189 nền kinh tế trong báo cáo Chỉ số kinh doanh năm 2016, tăng 3 bậc so với năm trước đó. Theo báo cáo này, Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia tiến hành nhiều cải cách nhất, nhưng nhiều chỉ số của Việt Nam vẫn còn nằm trong tốp cuối bảng xếp hạng, như chỉ số kinh doanh xếp thứ 119, tiếp cận điện năng xếp thứ 108, thuế và các thủ tục liên quan đến thuế xếp thứ 168.
Những gì mà doanh nghiệp Việt Nam cần là một môi trường kinh doanh minh bạch và được đối xử bình đẳng trong kinh doanh và cạnh tranh quốc tế.
Các buổi tham vấn với các hiệp hội doanh nghiệp và những khảo sát trực tiếp được tiến hành bởi Sáng kiến Hỗ trợ Khu vực Tư nhân Mekong (MBI) được hỗ trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Úc cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức để tồn tại, phát triển.
Thực tế này cho thấy, mặc dù đã có được những bước tiến dài trong cải cách với rất nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Những gì mà doanh nghiệp Việt Nam cần là một môi trường kinh doanh minh bạch và được đối xử bình đẳng trong kinh doanh và cạnh tranh quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam muốn được tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa trong việc hoạch định các chính sách để nâng cao hiệu quả thực thi và hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp.
Tháng Sáu vừa qua, với sự đồng hành của MBI, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) lần thứ nhất tại Hà Nội với sự tham gia của gần 700 doanh nhân đại diện cho 10 ngành/lĩnh vực, cùng các quan chức cấp cao của Chính phủ.
Những khó khăn cụ thể đã được đại diện cộng đồng doanh nghiệp nêu tương đối đầy đủ tại diễn đàn và cũng đã nhận được hồi âm từ đại diện các bộ ngành liên quan. Tiếp đó, Diễn đàn kinh tế tư nhân đã công bố Sách trắng thể hiện mong muốn, quan điểm và đề xuất chính sách của đông đảo doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực được lựa chọn đối thoại tại Diễn đàn.
Thành công của Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ nhất rất đáng ghi nhận, nhưng từ kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam còn hạn chế trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là các chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù đã có các cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ với doanh nghiệp, nhưng vẫn còn thiếu một cơ chế đối thoại công - tư tập trung thảo luận về nhu cầu của các DNNVV, đối tượng chiếm đến hơn 90% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam.
Doanh nghiệp chưa thực sự tham gia vào quá trình hoạch định chính sách do thiếu năng lực cũng như cơ hội, dẫn đến những cải cách chính sách không thực sự hiệu quả như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách. Thực tế cũng đã cho thấy, ngay cả khi Chính phủ muốn hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách nhằm hướng tới môi trường thông thoáng hơn, nhưng kết quả được phản hồi từ phía doanh nghiệp lại cho thấy điều ngược lại. Cụ thể hơn, có thể lấy Điều 292 của Bộ luật Hình sự sửa đổi hiện đang gây xôn xao dư luận làm một ví dụ.
Trong khi Chính phủ muốn thúc đẩy hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng các kế hoạch lớn để hỗ trợ startup, thì điều khoản 292 của Bộ luật Hình sự sửa đổi lại đang đặt ra những quy định quản lý khiến các startup Việt Nam hết sức lo ngại.
Tương tự như vậy, trong khi chỉ đạo của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp, giảm cơ chể xin cho, thì sự tồn tại chồng chéo của hơn 6.400 điều kiện kinh doanh, còn được gọi là “giấy phép con” của các bộ, ngành khác nhau vẫn là những sợi dây thít chặt bước đi của doanh nghiệp.
Vì vậy, tham vấn, đối thoại, tăng cường tiếng nói của khu vực tư nhân trở nên vô cùng thiết yếu và hữu hiệu nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ý kiến đóng góp từ khu vực tư nhân sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam hiểu rõ hơn những vấn đề mà doanh nghiệp phải đối mặt, từ đó giúp Chính phủ có đủ thông tin để phản hồi nhanh hơn, hiệu quả hơn trước những yêu cầu liên tục phát sinh trong thực tế.
Điều đáng mừng là ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế và yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trên nhiều diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần khẳng định về quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, minh bạch và hành động. Cam kết của người đứng đầu Chính phủ về kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền kinh doanh và ủng hộ doanh nghiệp đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác phát triển cũng đánh giá cao quyết tâm hành động của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động, phục vụ nhân dân. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng đã chỉ đạo Chính phủ phải đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang “kiến tạo, phục vụ”.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, Thủ tướng cũng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lập nhiều kênh để lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp.
Hợp tác hướng đến tương lai
Cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình lâu dài và có nhiều thách thức, đòi hỏi cam kết chính trị mạnh mẽ với các nỗ lực thực hiện từ Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, chia sẻ của các đối tác phát triển.
ADB và các đối tác phát triển khác đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ Chính phủ tiến hành cải cách chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Thông qua các khoản vay chính sách, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển các DNNVV đã được triển khai trong những năm vừa qua. Hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, mà trọng tâm là các DNNVV, đã và vẫn là một ưu tiên quan trọng trong chiến lược đối tác quốc gia của ADB với Việt Nam trong thời gian tới.
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm thích đáng của Chính phủ.
Nhằm cải thiện tình trạng thiếu cơ chế phản hồi của doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước về các tác động chính sách, MBI đã hỗ trợ Chính phủ trong quá trình rà soát Nghị quyết 19 năm 2015 thông qua khảo sát đối thoại với các tổ chức như VCCI, Hiệp hội Doanh nhiệp vừa và nhỏ, Liên minh Hợp tác xã và Mặt trận Tổ quốc về sự hài lòng của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế và hải quan. Phản hồi từ doanh nghiệp đã được các bộ ngành liên quan tiếp nhận tích cực để tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các khóa đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, nâng cao năng lực tham gia quá trình xây dựng chính sách cho doanh nghiệp được MBI tổ chức định kỳ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các hiệp hội doanh nhân nữ chưa có nhiều kinh nghiệm vận động chính sách đã được MBI hỗ trợ tham vấn và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.
Hiện đã có 17 hiệp hội nữ doanh nhân trên toàn quốc thống nhất xây dựng một bản kiến nghị chính sách với nhiều đề xuất trực tiếp cho Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bản kiến nghị sau đó đã được chia sẻ rộng rãi với các cơ quan hữu quan của Chính phủ. Trong tương lai, MBI sẽ hỗ trợ xây dựng công cụ tính toán chi phí thủ tục hành chính, giúp phản hồi hữu hiệu về chính sách cho doanh nghiệp.
Có thể nói rằng, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được cải thiện đáng kể nhờ sự quan tâm thích đáng của Chính phủ. Kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ nhằm loại bỏ các điều kiện đang cản trở quyền tự do kinh doanh, hay những dự án luật sắp được trình Quốc hội tới đây cũng cho thấy, vị thế của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, tinh thần ủng hộ và tư tưởng chỉ đạo “thân thiện hơn với doanh nghiệp” của Thủ tướng Chính phủ và bộ máy mới kiện toàn, theo nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế, sẽ giúp cho quá trình xoá bỏ những rào cản cho doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, quá trình này sẽ không hiệu quả nếu thiếu đi sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp.