Tăng trưởng về chất
Vào năm 1999, thị trường bảo hiểm mới có 10 DN bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) và 2 DN bảo hiểm nhân thọ (BTNT). Đến nay đã có 27 BHPNT (11 DN có vốn nước ngoài), 11 BHNT (10 DN có vốn nước ngoài).
Ông Phùng Đắc Lộc Mạng lưới hoạt động được mở rộng với gần 500 chi nhánh, công ty thành viên của DN bảo hiểm, hơn 2.000 phòng giao dịch phủ khắp các quận, huyện, vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Không có một cơ sở sản xuất, kinh tế xã hội nào là không được DN bảo hiểm tiếp cận, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm và động viên tham gia bảo hiểm. Cùng với sự ra đời của DN là các sản phẩm bảo hiểm được triển khai. Năm 1999 mới có 200 sản phẩm bảo hiểm, đến nay đã có gần 700 sản phẩm BHPNT (trong đó có 3 sản phẩm bảo hiểm bắt buộc), hơn 100 sản phẩm BHNT. Nhìn về tăng trưởng doanh thu, năm 1999 doanh thu mới đạt 1.700 tỷ đồng. Đến năm 2008, doanh thu BHPNT đạt 10.879 tỷ đồng (tăng trưởng 30%), BHNT đạt 10.399 tỷ đồng (tăng trưởng 12%). Năm 2009, mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng doanh thu BHPNT vẫn tăng trưởng ước 20% (13.100 tỷ đồng), BHNT tăng trưởng ước 12% (11.700 tỷ đồng). Đặc biệt, BHPNT đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2003 - 2010 là 9.000 tỷ đồng ngay từ năm 2008. Năm 1999, toàn ngành bảo hiểm có vốn chủ sở hữu 979 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 2.019 tỷ đồng. Đến năm 2008, vốn chủ sở hữu lên tới 17.850 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 40.430 tỷ đồng, đầu tư vào phát triển nền kinh tế quốc dân 57.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều DN bảo hiểm có vốn trên 1.000 tỷ đồng đến trên 2.000 tỷ đồng như: Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Việt Nhân thọ, Bảo Minh, PVI, Vinare, Prudential, Manulife. Năng lực tài chính tạo điều kiện cho các DN bảo hiểm tăng mức giữ lại, ít phải tái bảo hiểm, đồng thời, tạo điều kiện để các DN bảo hiểm đi sâu thêm vào các dịch vụ tài chính như: thành lập CTCK, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ…, thậm chí thành lập ngân hàng.
Ngành bảo hiểm thực sự trở thành tấm lá chắn kinh tế cho nền kinh tế - xã hội, mỗi năm bồi thường 55% doanh thu phí bảo hiểm cho các cơ sở kinh tế - xã hội và người dân tham gia bảo hiểm gặp rủi ro thiên tai, tai nạn, góp phần ổn định ngân sách nhà nước. Ngành bảo hiểm đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cho các DN đầu tư nước ngoài, các dự án được tài trợ của nước ngoài, góp phần thu hút vốn FDI và ODA. Ngoài ra, ngành bảo hiểm tạo ra nguồn vốn trung và dài hạn 69.000 tỷ đồng, đầu tư phát triển đất nước, tạo ra công ăn việc làm cho 15.000 cán bộ bảo hiểm và gần 150.000 đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp.
Vai trò Hiệp hội ngày một nâng cao
Thị trường bảo hiểm phát triển như hiện nay, ngoài chủ trương và sự chỉ đạo sát sao kịp thời của Chính phủ, Bộ Tài chính còn có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (HHBH). Hiệp hội đã tích cực đóng góp ý kiến phản biện các văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tạo môi trường pháp lý phù hợp cho kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, HHBH đã kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước giải quyết một số sự việc cho thị trường bảo hiểm Việt Nam như: không thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN đối với đại lý bảo hiểm (năm 2003), không thu thuế giá trị gia tăng đối với tái bảo hiểm, bảo hiểm vận tải quốc tế, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm vào khu chế xuất (năm 2004), ban hành Thông tư hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (năm 2005), ban hành Thông tư hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với đại lý bảo hiểm (2009). Hiệp hội đang kiến nghị với các cơ quan chức năng giải quyết một số vướng mắc trong cơ chế chính sách thủ tục: thuế nhà thầu với tái bảo hiểm ra nước ngoài, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bất cập giữa Luật Cạnh tranh và Luật Kinh doanh bảo hiểm, bất cập giữa thời gian cấp phép hoạt động DN bảo hiểm với thời hạn của hợp đồng bảo hiểm…
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế, hội thảo nhằm xây dựng chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người vận tải hành khách, hàng hoá dễ cháy, dễ nổ thuỷ nội địa. Đóng góp ý kiến phản biện để xây dựng quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Nhận thấy được lợi ích khi tham gia Hiệp hội, 100% DN bảo hiểm có mặt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đều gia nhập thành viên HHBH và là hội viên Hiệp hội. Đến nay đã có 27 DN BHPNT, 11 DN BHNT, 1 DN tái bảo hiểm là hội viên chính thức.