Sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm kỳ vọng góp phần giúp TTCK sôi động hơn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm kỳ vọng góp phần giúp TTCK sôi động hơn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Vai trò của các chủ thể trên thị trường Covered Warrant

(ĐTCK) Dự kiến, trong quý III/2017 sẽ có sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) đầu tiên được niêm yết. Trong bài viết kỳ này, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) giới thiệu vai trò của 6 chủ thể trên thị trường CW.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đóng vai trò là cơ quan quản lý và hướng dẫn toàn bộ hoạt động của thị trường chứng quyền có bảo đảm thông qua việc ban hành các quy chế và văn bản hướng dẫn liên quan, đồng thời là cơ quan xem xét và cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng quyền có bảo đảm cho tổ chức phát hành.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn có trách nhiệm giám sát việc công bố danh sách chứng khoán đáp ứng điều kiện làm chứng khoán cơ sở chào bán chứng quyền có bảo đảm của Sở Giao dịch chứng khoán và có quyền yêu cầu loại bỏ chứng khoán ra khỏi danh sách.

Sở Giao dịch chứng khoán

Sở Giao dịch chứng khoán đóng vai trò thẩm định tính hợp lệ của việc niêm yết chứng quyền có bảo đảm, giám sát hoạt động giao dịch chứng quyền có bảo đảm, quản lý hoạt động tạo lập thị trường, hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) của tổ chức phát hành và quản lý việc công bố thông tin liên quan đến các hoạt động của chứng quyền có bảo đảm.

Đồng thời, Sở Giao dịch chứng khoán giám sát việc duy trì các điều kiện niêm yết của chứng quyền có bảo đảm cũng như tỷ lệ lưu hành chứng quyền có bảo đảm để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp nhằm ổn định thị trường.

Ngoài ra, định kỳ, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ thực hiện công bố danh sách các chứng khoán đáp ứng được điều kiện làm chứng khoán cơ sở và công bố giá thanh toán cho các chứng quyền có bảo đảm đáo hạn.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán

Đây là cơ quan thực hiện chức năng đăng ký và lưu ký cho chứng quyền có bảo đảm, thanh toán các giao dịch chứng quyền có bảo đảm trên thị trường thứ cấp, phối hợp với tổ chức phát hành và các thành viên giao dịch, lưu ký để thực hiện quyền cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Trung tâm Lưu ký chứng khoán có chức năng phong tỏa chứng khoán dùng cho mục đích phòng ngừa rủi ro theo yêu cầu của tổ chức phát hành cũng như phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán trong việc quản lý toàn bộ thị trường chứng quyền có bảo đảm.

Tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm

Đây là một nhân tố quan trọng trong thị trường chứng quyền có bảo đảm. Tổ chức phát hành là đơn vị duy nhất thực hiện hồ sơ đăng ký chào bán chứng quyền có bảo đảm cho nhà đầu tư, đăng ký, lưu ký và niêm yết chứng quyền có bảo đảm tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán.

Trong suốt vòng đời lưu hành của chứng quyền có bảo đảm, tổ chức phát hành phải thực hiện các nghĩa vụ về tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro theo quy định pháp luật.

Ngân hàng lưu ký

Ngân hàng lưu ký là tổ chức độc lập, thực hiện việc quản lý và giám sát tài sản ký quỹ của tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm nhằm đảm bảo thanh toán cho các chứng quyền có bảo đảm đã phát hành, đồng thời phong tỏa tài sản đảm bảo này trong suốt vòng đời của chứng quyền có bảo đảm.

Nhà đầu tư

Nhà đầu tư là những người giao dịch (mua/bán) chứng quyền có bảo đảm trên thị trường, có vai trò quan trọng đối với sự sôi động của thị trường.

Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn còn khá nhỏ, tăng trưởng chưa ổn định, hàng hóa chưa đa dạng, đặc biệt là chưa có các công cụ phòng vệ rủi ro. Vì vậy, sự ra đời của chứng quyền có bảo đảm trên thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng góp phần giúp thị trường sôi động hơn, gia tăng thanh khoản và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Mặt khác, chứng quyền có bảo đảm là một bước tập dượt cho nhà đầu tư quen dần với những sản phẩm mang tính chất phái sinh phức tạp hơn so với những công cụ đầu tư truyền thống.

(Kỳ III: Làm sao để đưa CW lên niêm yết tại HOSE?)

Tin bài liên quan