VAFI nghi ngờ về tính hiện thực của việc thoái vốn khỏi Sabeco và Habeco

VAFI nghi ngờ về tính hiện thực của việc thoái vốn khỏi Sabeco và Habeco

(ĐTCK) “Giới đầu tư đang chờ đợi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thúc đẩy quá trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sau khi công khai thông tin này trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc…”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công thương mới đây, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Sabeco và Habeco đang xây dựng phương án thoái vốn nhà nước. Việc thoái vốn sẽ thực hiện theo nguyên tắc nhà nước nắm dưới 50% vốn điều lệ hoặc không cần nắm giữ. Ông có tin lần này việc thoái vốn nhà nước tại hai tổng công ty sẽ diễn ra sau nhiều lần lỗi hẹn?

 Ông Nguyễn Hoàng Hải

Đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, VAFI rất muốn tin lần này việc thoái vốn tại Sabeco và Habeco sẽ diễn ra sau nhiều năm bị trì hoãn, gây thất vọng cho giới đầu tư. Tuy nhiên, trước thực tế việc thoái vốn, lên sàn được đưa ra thảo luận tại một số kỳ đại hội đồng cổ đông của hai doanh nghiệp này, nhưng sau đó không hề được triển khai, chúng tôi tiếp tục đặt mối ngờ về tính hiện thực của việc Sabeco và Habeco thoái vốn.

Nếu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo thực hiện thành công việc thoái vốn tại hai doanh nghiệp này, đó chắc chắn là một trong những dấu ấn của ông trên cương vị tân Bộ trưởng Bộ Công thương, nhất là trong triển khai các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, hoặc không cần nắm giữ, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cải cách môi trường kinh doanh. 

Có ý kiến cho rằng, nếu tiếp tục để Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco, việc triển khai thoái vốn, lên sàn sẽ tiếp tục bị trì hoãn, vì vậy, cần chuyển phần vốn nhà nước tại hai doanh nghiệp này về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý. VAFI nghĩ sao về cách làm này?

Trước đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco. Tuy nhiên, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đang có những chỉ đạo rất quyết liệt về cải cách môi trường kinh doanh, tách chức năng đại diện chủ hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, trong khi Sabeco và Habeco không thuộc các ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ, nên chuyển về SCIC là hợp lý.

Tương tự như cách chuyển phần vốn nhà nước tại CTCP Sữa Việt Nam và nhiều doanh nghiệp lớn khác về SCIC quản lý trước đây. Hơn nữa, bia, rượu không phải là lĩnh vực Bộ Công thương phải quản lý, nên việc chuyển Sabeco và Habeco về SCIC càng sớm càng tốt, để thúc đẩy quá trình thoái vốn, lên sàn sau hơn 8 năm cổ phần hóa.

Sau khi có văn bản gửi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị thúc đẩy thoái vốn tại hai tổng công ty này, đồng thời đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau hơn 8 năm “trốn” niêm yết, VAFI có nhận được phản hồi gì không?

Chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ Bộ Công thương. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi không tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị mới, để góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần tại Sabeco và Habeco. 

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Văn phòng Chính phủ có Công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo giải quyết kiến nghị của VAFI liên quan đến cổ phần hóa một số doanh nghiệp thuộc Bộ và việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Sabeco, trên cơ sở đó thông báo kết quả giải quyết cho VAFI và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/7/2016. VAFI đã nhận được thông báo kết quả giải quyết từ Bộ Công thương chưa?

VAFI chưa nhận được phản hồi gì từ Bộ Công thương và đang nóng lòng chờ đợi kết quả giải quyết cụ thể. Chúng tôi kỳ vọng, với sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đồng thời thời hạn mà Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng kết quả giải quyết kiến nghị của VAFI đang cận kề, chúng tôi sẽ sớm nhận được phản hồi từ Bộ Công thương.

Chúng tôi không có động cơ gì ngoài việc minh bạch thông tin để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước hậu cổ phần hóa tuân thủ các quy định về thoái vốn gắn với lên sàn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua đó, tránh gây mất niềm tin trong giới đầu tư, để góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Chính phủ là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gắn cổ phần hóa với lên sàn, thu hút nhiều hơn dòng vốn trong và ngoài nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tin bài liên quan