Ông Bùi Văn Mai

Ông Bùi Văn Mai

VACPA, ngôi nhà chung của các DN kiểm toán

(ĐTCK-online) Đi vào hoạt động đến nay đã được 6 năm, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã định hình thành một hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập, với đông đảo kiểm toán viên và DN kiểm toán tham gia. ĐTCK phỏng vấn ông Bùi Văn Mai, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký VACPA, nhân dịp kỷ niệm 20 năm kiểm toán độc lập và trước thềm Đại hội VACPA lần thứ III.

Xin ông cho biết những kết quả của VACPA sau 6 năm đi vào hoạt động?

Ngay từ ngày đầu thành lập, VACPA đã lựa chọn mô hình tổ chức nghề nghiệp chuyên nghiệp phù hợp thông lệ quốc tế. Hội tập trung từ Trung ương giao dịch trực tiếp đến từng hội viên, không có tổ chức trung gian tại các địa phương nhằm đảm bảo tất cả hội viên đều bình đẳng quyền lợi. Qua 6 năm, số lượng hội viên VACPA đã phát triển nhanh chóng. Từ con số 287 hội viên khi thành lập, đến nay đã có 1.230 hội viên. Nhiều kiểm toán viên không hành nghề tại các công ty kiểm toán (CTKT) cũng tham gia hội. VACPA đã trực tiếp quản lý được từng hội viên thông qua phần mềm lưu trữ thông tin cá nhân từng hội viên, có thể giám sát mọi biến động của từng kiểm toán viên để phục vụ cho việc quản lý. VACPA thực hiện đào tạo, tư vấn và kiểm soát chất lượng, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đến từng kiểm toán viên. Về đối ngoại, Hội đặc biệt quan tâm xây dựng và giữ gìn quan hệ với cơ quan quản lý như UBCK, Bộ Tài chính, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước.


Thời gian vừa qua, VACPA đã được Bộ Tài chính chuyển giao thực hiện một số công việc. Xin ông cho biết VACPA đã thực hiện các công việc này đến đâu?

Theo lộ trình, Bộ Tài chính đã chuyển giao cho VACPA 4 loại công việc. Một là quản lý đăng ký hành nghề của các kiểm toán viên và CTKT. Hàng năm, VACPA thực hiện xem xét tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề của kiểm toán viên, CTKT, ký xác nhận, báo cáo Bộ Tài chính và công khai ra ngoài xã hội. Hai là, tổ chức các khóa đào tạo, cập nhật kiến thức cho kiểm toán viên. Mỗi năm, VACPA đều xây dựng, công bố kế hoạch và nội dung đào tạo cả năm từ tháng 3 và tổ chức từ 24 đến 28 lớp học tại Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, mời các chuyên gia đầu ngành giảng dạy về các chính sách mới, thực hành kiểm toán và thông tin quốc tế. Ba là kiểm soát chất lượng. Trong 6 năm qua, mỗi năm VACPA đã tổ chức từ 2 đến 3 cuộc kiểm soát chất lượng. Hội đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát chất lượng hàng năm. Nếu năm 2007 mới kiểm tra được 16 CTKT, năm 2008 kiểm tra được 33 công ty, năm 2009 đã kiểm tra được 38 công ty và năm 2010 kiểm tra 20 công ty theo yêu cầu mới. Bốn là, thực hiện hoàn thiện chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Từ năm 2009, VACPA đã thành lập ban soạn thảo, ký thỏa thuận sử dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế với IFAC, tổ chức dịch, soạn thảo được 25 chuẩn mực kiểm toán, trình dự thảo 9 chuẩn mực để Bộ Tài chính xem xét ban hành. Trong năm 2011, Hội sẽ trình tiếp 13 chuẩn mực, các chuẩn mực còn lại sẽ trình vào năm 2012.

Bên cạnh đó, VACPA còn góp ý, tham gia xây dựng các văn bản pháp quy về kế toán và kiểm toán, đặc biệt là Luật Kiểm toán độc lập vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ thời điểm 1/1/2012.

Điều gì khiến ông trăn trở về hoạt động của Hội trong thời gian qua?

Đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng trong nhiệm kỳ qua cũng còn những tồn tại, chủ yếu là chưa quảng bá và thông tin tốt nhất đến các DN, cơ quan Nhà nước và xã hội về Hội và nghề nghiệp kiểm toán. Chất lượng hoạt động vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của hội viên; còn thiếu nhân lực lãnh đạo và chuyên môn chuyên trách trong hoạt động kiểm soát chất lượng, hoạt động tư vấn. Một số chuyên đề đào tạo còn chưa sát thực tế; kiểm soát chất lượng chưa được triển khai thường xuyên.


Hội sẽ làm gì để khắc phục các tồn tại như ông vừa nêu? Làm thế nào để hội ngày càng gia tăng giá trị hội viên?

Các hoạt động của VACPA thời gian qua không nằm ngoài mục đích nâng cao trình độ, năng lực, uy tín, danh tiếng của hội viên. Mỗi kiểm toán viên có một giá trị thị trường thể hiện qua số lượng và mức phí các hợp đồng kiểm toán họ thực hiện. Nhằm mục tiêu gia tăng giá trị hội viên hơn nữa, VACPA sẽ tiếp tục nâng cấp, đổi mới, thực hiện triệt để hơn những việc chưa làm được. Cập nhật kiến thức theo hướng thực hành, đào tạo sớm từ trợ lý kiểm toán viên, tiến tới đào tạo các cấp trưởng phó phòng, ban giám đốc CTKT. Năm 2010, VACPA đã ban hành chương trình kiểm toán mẫu và thực hiện đào tạo kiểm toán viên theo chương trình này. Thực hiện đào tạo trực tuyến để giảm bớt thời gian kiểm toán viên phải tập trung. Thành lập trung tâm đào tạo và tư vấn để hoạt động này được chuyên sâu, chuyên biệt hơn.

Sắp tới, VACPA sẽ thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất chất lượng dịch vụ tại các CTKT. Một nội dung quan trọng nữa là tăng cường đối thoại với hội viên, nhất là kiểm toán viên trong các DN có quy mô nhỏ, mới thành lập, giải quyết vướng mắc sát thực tế hơn. Gia tăng giá trị hội viên là mục tiêu trực tiếp nhằm hướng đến mục tiêu xa hơn của nghề nghiệp kiểm toán là độc lập, trung thực, minh bạch.


Luật Kiểm toán có hiệu lực sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của VACPA trong thời gian tới, thưa ông?

Luật Kiểm toán độc lập được thực hiện sẽ nâng cao giá trị, vị thế nghề nghiệp kiểm toán. Luật có điều khoản điều chỉnh trực tiếp hoạt động của Hội và tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục quy định các công việc chuyển giao từ Bộ Tài chính. Luật ra đời đòi hỏi năng lực kiểm toán viên, CTKT, chất lượng báo cáo kiểm toán phải nâng cao hơn, quản lý chặt chẽ hơn, do đó công việc của Hội sẽ phải được nâng cấp hơn nữa, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và cán bộ chuyên môn phải được tăng cường, đảm bảo tính kế thừa,  phát triển vững chắc.