Ảnh Internet
Viện Gamaleya ở Moscow là nơi phát triển và thử nghiệm vắc xin đã cho thấy dữ liệu đối chiếu phù hợp với dữ liệu hiệu quả được báo cáo ở các giai đoạn trước của cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Moscow từ tháng 9/2020.
“Việc phát triển vắc xin Sputnik V từng bị chỉ trích vì quá vội vàng và thiếu tính minh bạch,” Giáo sư Ian Jones của Đại học Reading và Giáo sư Polly Roy, Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London cho biết trong một bình luận được chia sẻ bởi The Lancet.
“Nhưng kết quả được báo cáo ở đây là rõ ràng và nguyên tắc khoa học của việc tiêm chủng đã được chứng minh. Hiện đã có thêm một loại vắc xin khác có thể tham gia cuộc chiến để giảm tỷ lệ mắc Covid-19”, các nhà khoa học không tham gia nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Denis Logunov của Viện Gamaleya cho biết trên tạp chí The Lancet rằng, kết quả công bố dựa trên dữ liệu từ 19.866 tình nguyện viên, trong đó 1/4 được dùng giả dược.
Các nhà khoa học cho biết, kể từ khi Moscow bắt đầu thử nghiệm, đã có 16 trường hợp ghi nhận có triệu chứng nhiễm Covid-19 trong số những người được tiêm vắc xin và 62 trường hợp ở nhóm dùng giả dược.
Điều này cho thấy chế độ hai liều vắc xin được tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả 91,6% đối với việc phòng ngừa Covid-19.
Trước đó vào tháng 8/2020, Nga đã phê duyệt vắc xin này trước khi cuộc thử nghiệm quy mô lớn bắt đầu.
Một số ít nhân viên y tế tuyến đầu đã bắt đầu tiếp nhận vắc xin ngay sau đó và một đợt triển khai quy mô lớn cũng bắt đầu vào tháng 12 mặc dù quyền tiếp cận chỉ giới hạn ở những người trong các ngành nghề cụ thể như giáo viên, nhân viên y tế và nhà báo.
Vào tháng 1/2021, vắc xin đã được cung cấp cho tất cả người Nga.
Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) là người chịu trách nhiệm tiếp thị vắc xin ra nước ngoài đã nói với các phóng viên trước khi công bố kết quả vào thứ Ba rằng “Nước Nga đã đúng”.
Ông cho biết, họ ủng hộ quyết định của Nga trong việc bắt đầu cho cho nhân viên tuyến đầu tiêm vắc xin Sputnik V trong khi quá trình thử nghiệm vẫn đang được tiến hành và cho rằng sự hoài nghi về những động thái như vậy có động cơ chính trị.
Dmitriev cho biết, Nga đã chia sẻ dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn III với các cơ quan quản lý ở một số quốc gia và đã bắt đầu quá trình đệ trình lên Cơ quan Thuốc châu Âu (EMA) để được Liên minh châu Âu phê duyệt.
Công bố dữ liệu vắc xin của Nga được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang tranh giành để đảm bảo đủ vắc xin cho 450 triệu công dân của mình do AstraZeneca và Pfizer cắt giảm sản lượng trong khi việc triển khai vắc xin ở Mỹ bị cản trở do nhu cầu lưu trữ vắc xin trong tủ đông cực lạnh và quy hoạch không đồng đều giữa các bang.